Lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 62,5 nghìn tấn/năm
Chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến "Xúc tiến đầu tư và liên kết sản xuất tiêu thụ muối giữa hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ muối", do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức chiều ngày 21/1, ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển nông thôn - cho biết: Việt Nam là quốc gia có lợi thế để phát triển ngành sản xuất và chế biến muối do sở hữu bờ biển dài trên 3.200km và bức xạ nhiệt cao. Địa bàn sản xuất muối của Việt Nam tại 116 xã thuộc 40 huyện của 19 tỉnh, trải dài từ Bắc vào Nam (miền Bắc 5 tỉnh, miền Trung 7 tỉnh, Nam Bộ 7 tỉnh). Sản xuất, chế biến và tiêu thụ muối là ngành kinh tế đang tạo công ăn việc làm và thu nhập cho khoảng 21.000 hộ diêm dân.
Nhiều ý kiến đóng góp cho phát triển ngành muối bền vững đã được đưa ra tại hội thảo |
Cũng theo ông Lê Đức Thịnh, diện tích sản xuất muối năm 2021 của Việt Nam đạt 11.393 ha. Trước đó, các năm 2017 diện tích đạt 13.158ha, năm 2018 diện tích đạt 13.074ha, năm 2019 đạt diện tích 12.494ha; năm 2020 với 11.926ha. Diện tích giảm dần trong những năm gần dây do thu nhập từ sản xuất muối thấp, người dân đã dần chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản hoặc đã chuyển sang làm nghề khác nên có một số diện tích sản xuất muối bị bỏ hoang.
Về sản lượng muối, năm 2020 đạt 1.334.507 tấn. Đây cũng là năm sản lượng muối đạt cao so với bình quân vài năm gần đây. Do thời tiết, khí hậu ở Việt Nam biến đổi phức tạp, có nhiều năm mưa hoặc hạn hán nhiều, ảnh hưởng đến sản lượng muối của từng năm. Năm 2021, sản lượng muối đạt 914.999 tấn.
Hiện, giá muối thủ công dao động từ 600 – 2.500 đồng/kg; giá muối sản xuất công nghiệp dao động từ 600 – 1.500 đồng/kg. Người sản xuất muối thủ công cơ bản đang bán muối thô, chất lượng thấp nên giá bán thấp, khó tiêu thụ.
Hàng năm, trên cơ sở cân đối cung cầu muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính điều hành việc nhập khẩu theo tình hình thực tế sản xuất trong nước. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, giai đoạn 2017 – 2020, lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan phân giao trung bình mỗi năm là 62,5 nghìn tấn trong tổng lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu công bố là 110 nghìn tấn. Tổng nhu cầu muối công nghiệp của các doanh nghiệp sản xuất xút hiện nay khoảng 350 nghìn tấn/năm. Lượng muối nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan phân giao còn thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất hóa chất trong khi nguồn nguyên liệu muối trong nước chưa đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng.
Đối với thị trường xuất khẩu, hiện tại sản phẩm muối biển sạch, giàu vi lượng có lợi sức khỏe của Việt Nam đã xuất khẩu sang một số nước như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… nhưng số lượng còn ít, mỗi năm xuất khẩu khoảng 20-40 nghìn tấn muối sạch. Các doanh nghiệp đang thúc đẩy, tìm kiếm thị trường xuất khẩu muốn nhằm đem lại giá trị kinh tế cao hơn.
Ngành muối cần có những thay đổi căn bản
Muối là mặt hàng thiết yếu không thể thiếu đối với xã hội và con người. Muối không chỉ dùng để ăn, dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm mà còn dùng trong lĩnh vực y tế, trong công nghiệp hóa chất và một số ngành khác.
Tuy nhiên, ông Lê Đức Thịnh cho hay, việc phát triển ngành muối của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn và tồn tại. Đó là các vùng sản xuất trên toàn quốc đều hình thành từ lâu và mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Cơ sở hạ tầng muối không được đầu tư nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp trầm trọng. Số lượng đồng muối sản xuất theo quy mô công nghiệp còn ít so với nhu cầu. Một số tiến bộ khoa học đã được áp dụng nhưng chưa mang tính đồng bộ nên chưa phát huy được hiệu quả. Hiện nay, cả nước có 72 cơ sở sản xuất và chế biến muối thuộc mọi thành phần kinh tế như: hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp, doanh nghiệp. Tuy nhiên các đơn vị này đều có quy mô nhỏ, vốn điều lệ thấp, sản lượng nhỏ,…
Chia sẻ một số kinh nghiệm sản xuất, bà Marion Chaminade - Tham tán nông nghiệp Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam – cho hay, tại Pháp, sản lượng muối hàng năm khoảng từ 6-7 triệu tấn. Việc thúc đẩy chỉ dẫn địa lý không tách rời đối với ngành muối. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp do nông dân quản lý và thành lập cùng nhau phải đóng góp chi phí, cùng chia sẻ rủi ro. Và người nông dân phải trực tiếp giao hàng đến công ty. Việc thanh toán được điều chỉnh bằng hợp đồng cụ thể, và tất cả đều được chia sẻ bởi người diêm dân.
Đóng góp ý kiến tại Hội thảo, ông Bùi Sơn Long – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ Muối biển - cho rằng, trước thực trạng nhu cầu về muối ngày càng tăng về số lượng, chất lượng, chủng loại phục vụ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu, ngành muối cần có những thay đổi căn bản theo hướng sản xuất, chế biến phải theo nhu cầu của thị trường, đa dạng hóa các chủng loại. Đồng thời, phát huy lợi thế của từng vùng, từng miền, phân công sản xuất và hợp tác để cùng phát triển.
Nghịch lý cho thấy, trong khi chi phí sản xuất cao, giá bán thấp và lượng muối tồn kho hàng năm vẫn lớn thì các nhà máy chế biến vẫn thiếu nguyên liệu, hàng năm vẫn phải nhập khẩu lượng lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên chế biến trong nước. Phát triển ngành muối Việt Nam ngang tầm với các nước khu vực, trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế vùng, miền, các đại biểu cho rằng, cần hình thành mối liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp chế biến muối với các hợp tác xã, tổ hợp tác và diêm dân.
Ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - cho rằng, để nâng cao vị thế và giá trị ngành muối, cần bắt đầu từ nhu cầu thị trường và thị hiếu của người tiêu dùng là gì?. “Thời gian qua, chúng ta đầu tư hạ tầng nghề muối nhưng không biết người tiêu dùng cần gì. Đây là bài học đầu tiên. Thị trường cần gì thì sẽ sản xuất sản phẩm đó”, ông Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trần Thanh Nam, từ nhu cầu thị trường chúng ta sẽ xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn, hướng dẫn cho người nông dân sản xuất, đồng thời tổ chức lại sản xuất với các hợp tác xã, hiệp hội của ngành hàng muối. Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu của ngành muối. Những vấn đề này cần xoay quanh mục tiêu nhằm nâng cao thu nhập của diêm dân, của người làm muối.
Theo ước tính, nhu cầu sử dụng muối của nước ta hiện nay từ 1,5 triệu đến 1,6 triệu tấn/năm. Dự báo đến năm 2030 nhu cầu này là khoảng 2 triệu tấn/năm, ông Trần Thanh Nam cho hay, đây là bài toán các địa phương cần vào cuộc để cùng tháo gỡ. Đồng thời, chú trọng đến vấn đề liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến muối,…
Trên cơ sở truyền thống nghề muối lâu đời các địa phương và Bộ cùng phối hợp tiếp tục nâng cao chất lượng ngành muối để đáp ứng thị trường thông qua các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ đó hướng dẫn người nông dân triển khai nâng cao chất lượng của ngành.