Tạo hành lang pháp lý và chuyển đổi nhận thức
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt vào đầu tháng 6 là bản lề quan trọng về khung chính sách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Ứng dụng CNTT phát triển thành phố thông minh tại Đà Lạt. Ảnh: TL |
Các chuyên gia công nghệ thông tin nhận định, các nền tảng số giúp đẩy mạnh nâng cấp các dịch vụ quan trọng trong y tế, giáo dục, dịch vụ tài chính, nông nghiệp thông minh… Đơn cử như nền tảng số trong giáo dục cho phép sinh viên truy cập vào bài giảng trực tuyến chất lượng với chi phí thấp trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; đồng thời cho phép học sinh, sinh viên chủ động truy cập miễn phí vào các khóa học chất lượng cao... Hoặc các nền tảng tài chính trực tuyến cho phép người dân tiếp cận được các dịch vụ ngân hàng ngay cả ở những khu vực không có ngân hàng.
Chính vì tầm quan trọng này, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp chương trình Chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam đã chỉ rõ: Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả.
Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) cho biết: "Mắt xích quan trọng trong chương trình Chuyển đổi số là giới thiệu và phát triển các nền tảng số “Make in Vietnam”. Trước kia, các cơ quan, tổ chức muốn chuyển đổi số phải đầu tư hệ thống công nghệ thông tin (CNTT), có đội ngũ chuyên gia, quản trị mạng của riêng mình nên sẽ rất lâu và tốn kém. Còn hiện nay, với việc sử dụng các nền tảng số, các cơ quan, tổ chức chỉ đóng vai người dùng, không cần có kiến thức kỹ thuật sâu, không cần có đội ngũ công nghệ thông tin, quản trị mạng mà vẫn tận dụng được những thành tựu mới nhất. Như vậy, chuyển đổi số sẽ diễn ra nhanh hơn".
Ưu tiên cho nền tảng số của Việt Nam
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Việt Nam phải làm chủ các hạ tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực, và đây chính là cơ hội cho Make in Vietnam. Thị trường Việt Nam đủ lớn khi Việt Nam có 100 triệu dân, đứng thứ 12 trên thế giới cho sản phẩm Make in Vietnam. Các nền tảng như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng,… không thể để toàn bộ dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra và lưu trữ ở nước ngoài bởi các công ty nước ngoài. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong đại dịch COVID-19 phải đẩy nhanh và làm chủ các hạ tầng, nền tảng số.
Cục Tin học hóa đã xác định mục tiêu CNTT phải được ứng dụng vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, nhưng trước hết tập trung giải quyết những vấn đề nhức nhối của xã hội. Do đó, với các nền tảng Make in Vietnam, Cục Tin học hóa đã liên hệ, làm việc để mời các đơn vị tham gia vào chương trình Chuyển đổi số thông qua việc giới thiệu, quảng bá tới các đơn vị quản lý Nhà nước, các tỉnh, thành và doanh nghiệp.
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực, từ trung tuần tháng 4/2020 đến nay, Bộ TT&TT đã liên tục giới thiệu các nền tảng Make in Vietnam. Đơn cử như để người dân được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất mà không phải đến bệnh viện, các bệnh viện không quá tải, Bộ TT&TT đã ra mắt nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa. Bộ TT&TT giới thiệu nền tảng hỗ trợ quản lý dạy và học trực tuyến là để học sinh các trường có thể học tập hiệu quả hơn, không bị gián đoạn và có thể sử dụng tri thức của quốc tế ngay tại Việt Nam.
Để các doanh nghiệp Việt Nam có ngay những hạ tầng hiện đại băng thông rộng, tốc độ xử lý tính toán cao nhất phục vụ cho công việc, Bộ TT&TT cho ra mắt nền tảng điện toán đám mây. Mới đây là sự ra mắt các nền tảng lập trình cho giao tiếp Stringee cho phép các doanh nghiệp giao tiếp với khách hàng trên chính các ứng dụng mobile (hoặc website) sẵn có mà không cần phải sử dụng các ứng dụng thứ ba. Hoặc để hỗ trợ thanh toán chi phí làm dịch vụ công trực tuyến, Bộ TT&TT công bố Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia PayGov.
“Hiện Bộ TT&TT liên tục lựa chọn những nền tảng gốc, cơ bản để thực hiện trước. Các nền tảng Make in Vienam ở từng lĩnh vực sẽ tiếp tục được Cục thẩm định, giới thiệu để cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp lựa chọn phù hợp, tiện ích cho công việc”, ông Dũng cho biết.
Ông Đậu Ngọc Huy, CEO của doanh nghiệp khởi nghiệp về nền tảng Stringee chia sẻ: Các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng làm chủ công nghệ và cạnh tranh với các nên tảng quốc tế tương tự với các ưu thế gia tang các tích năng, bảo mật, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam nên hiểu biết văn hoá Việt Nam và sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi số.
Các chuyên gia công nghệ thông tin nhận định, đây là cơ hội cho nền tảng số Make in Vietnam do chính người Việt Nam làm chủ, phát triển trên chính thị trường Việt Nam. Muốn làm được điều này, bên cạnh sự hỗ trợ truyền thông, quảng bá từ Bộ TT&TT, các sản phẩm công nghệ thông tin chứng minh được chất lượng sản phẩm có những tính năng nổi trội và khác biệt so với các sản phẩm nước ngoài.