Năng lượng tái tạo tạo động lực phát triển mới |
Lộ trình tăng tỷ lệ nguồn cung
Theo Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, tỷ lệ nguồn NLTT trong tổng cung năng lượng sơ cấp được lên kế hoạch đạt 15 - 20% vào năm 2030 và tăng lên 25 - 30% vào năm 2045, tương ứng tỷ lệ điện năng của NLTT trong tổng điện năng sản xuất là 30% vào năm 2030 và 40% năm 2035.
Kết quả nghiên cứu mới nhất của IHS Markit (Anh) cho thấy, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực sau Australia, Nhật Bản và đứng đầu trong số các thị trường mới nổi khi đưa ra biểu giá điện tốt để thu hút đầu tư vào điện gió và điện mặt trời. Đây sẽ là cơ hội để phát triển năng lượng bền vững và hướng đi mới cho ngành NLTT, nhất là khi Việt Nam đang có cơ hội tiếp cận nguồn FDI dồi dào.
TS. Nguyễn Ngọc Hưng - Phó Trưởng phòng Kinh tế năng lượng, Viện Năng lượng Việt Nam (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh, NLTT và khí tự nhiên sẽ là các trụ cột cho việc chuyển dịch năng lượng nhằm giảm phát thải và tăng cường an ninh năng lượng trong dài hạn thông qua giảm tỷ trọng năng lượng nhập khẩu và đa dạng hóa cung cấp năng lượng.
Dưới góc độ của một tổ chức hoạt động vì cộng đồng, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển sáng tạo Xanh (GreenID) - cho rằng, NLTT tạo động lực phát triển mới, giúp thu hút đầu tư FDI và thu hẹp khoảng cách phát triển cho các địa phương có tiềm năng. Qua đó, tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh.
Đơn cử tại Ninh Thuận - nơi có đặc điểm khí hậu vô cùng khắc nghiệt, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư khi sở hữu tiềm năng về NLTT lớn nhất cả nước. Không chỉ là mảnh đất màu mỡ thu hút nhiều tập đoàn lớn, lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời cũng đang là sự lựa chọn của nhiều hộ gia đình.
Còn nhiều thách thức
Theo Bộ Công Thương, thời gian qua, việc phát triển nguồn NLTT, nhất là điện mặt trời ở nước ta đạt nhiều kết quả tích cực, thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, góp phần khai thác hiệu quả nguồn NLTT có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh với quy mô, công suất lớn của các nguồn NLTT tập trung tại một số khu vực miền Trung, miền Nam đã gây ra hiện tượng quá tải cục bộ, quá tải lưới điện truyền tải liên kết miền...
Về vấn đề này, Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) tính toán, công bố mức điều tiết giảm công suất huy động của các nhà máy điện, chỉ huy thực hiện, phù hợp cơ cấu nguồn điện đang phát, công suất truyền tải giữa các vùng miền, mức dự phòng quay và dự phòng khởi động nhanh cần thiết… tại thời điểm phải điều tiết giảm, tuân thủ theo nguyên tắc rõ ràng, minh bạch.
Nhằm bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện, EVN cũng đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ dự án lưới điện truyền tải đã có trong quy hoạch; báo cáo Bộ Công Thương về cơ chế đầu tư pin tích trữ năng lượng. A0 đã thuê tư vấn nước ngoài tư vấn về vận hành hệ thống điện trong bối cảnh nguồn NLTT tăng cao.
Theo các chuyên gia, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực thi một cách đồng bộ, nhất quán chính sách ưu tiên sử dụng hiệu quả năng lượng gắn với phát triển ngành NLTT, hạn chế đầu tư thêm các nhà máy sản xuất điện nhiên liệu hóa thạch. |