Là một trong những doanh nghiệp chủ lực của Đắk Nông, những năm vừa qua, Công ty Nhôm Đắk Nông đã đóng góp tích cực cho sự phát triển công nghiệp toàn tỉnh. Riêng trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do dịch bệnh nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đạt hiệu quả khả quan.
Cụ thể, sản lượng Alumin quy đổi của công ty đạt trên 715.000 tấn bằng 104,2% so với năm 2019; doanh thu giao khoán đạt trên 2.892 tỷ đồng bằng 91% so với năm 2019; lợi nhuận đạt 28,98 tỷ đồng bằng 117% so với năm 2019; thu nhập bình quân 12.745.000 đồng/người/tháng bằng 99,2% so với năm 2019; nộp Ngân sách nhà nước đạt 410,6 tỷ đồng bằng 92% so với năm 2019.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do dịch bệnh nhưng sản xuất kinh doanh của Nhôm Lâm Đồng vẫn đạt kết quả khả quan |
Dự kiến quý I/2021, sản lượng Alumin quy đổi của công ty đạt 182.770 tấn, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2020; doanh thu giao khoán đạt trên 520 tỷ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2020; thu nhập bình quân 13.206.000 đồng/người/tháng bằng 104% so với cùng kỳ năm 2020; nộp ngân sách nhà nước 55,01 tỷ đồng, bằng 50% so với cùng kỳ năm 2020.
Cũng trong năm 2021, Nhôm Đắk Nông đặt ra mục tiêu cụ thể là tiết kiệm chi phí tối thiểu 2% kế hoạch giao; đồng thời, kiểm soát tốt hơn nữa tình hình sử dụng chi phí sản xuất, kinh doanh. Qua đó tiết kiệm chi phí ở mức tối đa có thể, quản lý chặt chẽ chi phí vật tư công nghệ, vật tư cơ điện và cường hóa công suất của Nhà máy alumin.
Nhiều giải pháp được đơn vị đưa ra để đạt mục tiêu này như: Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bảo đảm diện khai thác thường xuyên, phối trộn quặng ngay tại khai trường nhằm đạt chất lượng quặng đầu vào ổn định hàm lượng nguyên liệu sản phẩm; kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu về định mức tiêu hao vật tư công nghệ… Đặc biệt, ở khu vực nhiệt điện sẽ tiếp tục duy trì, vận hành ổn định các lò hơi, sử dụng hơi và phát điện tối ưu nhất theo phụ tải của nhà máy…
Nhôm Đắk Nông là một trong những doanh nghiệp đã có sự đóng góp tích cực cho sự phát triển công nghiệp địa phương. Đi lên từ thế mạnh địa phương, thời gian qua, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã tiếp tục phát triển theo đúng định hướng trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế. Đến nay, các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp Alumin; chế biến nông, lâm sản; khai thác và chế biến khoáng sản; thủy điện, năng lượng tái tạo... đã phát triển tương đối mạnh, đóng góp lớn cho kinh tế địa phương.
Theo ông Lê Văn Thị - Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông, để tiếp tục hỗ trợ cho ngành công nghiệp địa phương phát triển, trong năm 2021, ngành Công Thương Đắk Nông sẽ tiếp tục huy động nguồn vốn từ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để thực hiện đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh như: Chế biến nông, lâm sản; khai thác và chế biến khoáng sản; công nghiệp hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp bô xít, các sản phẩm sau nhôm...
Cùng với đó, ngành tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện liên kết sản xuất gắn với người dân, doanh nghiệp từ sản xuất nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ các thành phần kinh tế tham gia đổi mới, cải tiến công nghệ, để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nói chung, ngành Công Thương cũng sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia sản xuất và triển khai thực hiện dự án, nhất là những dự án lớn, trọng điểm, có đóng góp lớn đối với tăng trưởng và có sự lan tỏa đối với phát triển.
Trong đó, đơn vị tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho việc ổn định sản xuất của Nhà máy Alumin Nhân Cơ và nghiên cứu phương án cường hóa, phát huy tối đa năng suất công nghệ. Việc đầu tư xây dựng Nhà máy điện phân nhôm sẽ được hỗ trợ đắc lực hơn nữa để sớm hoàn thành và đi vào hoạt động đạt công suất theo thiết kế giai đoạn I.
Đối với các dự án đầu tư phát triển công nghiệp, các dự án thủy điện, điện mặt trời, hạ tầng thương mại sẽ được xúc tiến đẩy nhanh tiến độ thực hiện theo đúng kế hoạch.
Đặc biệt, đơn vị sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tập trung khai thác thị trường các nước thành viên CTTP, EVFTA, các nước ASEAN. Qua đó cơ cấu lại thị trường xuất khẩu cho từng loại nông sản của tỉnh theo hướng đa dạng hóa thị trường và không phụ thuộc vào bất kỳ thị trường nào, nhằm hạn chế rủi ro xảy ra khi sản phẩm tham gia xuất khẩu.
Ngành Công Thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp nên chủ động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, cập nhật các yêu cầu điều kiện từ thị trường xuất nhập khẩu. Trong đó, thực hiện xuất khẩu đơn hàng theo đúng thông lệ quốc tế và chủ động các biện pháp để chuyển đổi các hình thức chính ngạch như: Tem truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn vùng trồng, kiểm dịch, kiểm nghiệm, quy cách đóng gói...