Thưa ông, trong bối cảnh CMCN 4.0, ứng dụng công nghệ số nhằm phát triển kinh tế đang trở thành tất yếu, ông nhận định như thế nào về xu hướng kinh tế số ở Việt Nam hiện nay?
Chúng ta nói rất nhiều về CMCN 4.0 nhưng cụ thể ở Việt Nam tôi thấy vẫn còn hạn chế, mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng. Ngày xưa, nhà bác học Acsimet nói “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên”. Ngày nay, có thể nói rằng “cho tôi AI, tôi sẽ đưa Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình”. AI là điểm then chốt nhất trong chuyển đổi số của CMCN 4.0 và Việt Nam có tiềm năng trong lĩnh vực này.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình |
Sự phát triển của AI phụ thuộc nhiều vào nguồn dữ liệu, không có dữ liệu thông tin sẽ không có AI, ông nghĩ sao về nhận định này?
Chúng tôi cùng đoàn Văn phòng Chính phủ đi thăm những quốc gia hàng đầu về kinh tế số như Estonia. Tại sao Estonia một quốc gia nhỏ bé, không có hạ tầng, công nghiệp, không có khoáng sản gì nhiều, nhưng lại vươn lên trở thành quốc gia hàng đầu về CMCN 4.0? Vấn đề cơ bản nhất, đó là dữ liệu mở, để người dân và doanh nghiệp có thể khai thác được. Trong khi đó, vấn đề lớn nhất của dữ liệu Việt Nam hiện nay là đang bị “cát cứ” và không chuẩn hóa. Chúng ta không phải không có dữ liệu mà là không thể dùng được dữ liệu.
Động lực quan trọng nhất cho phát triển kinh tế - xã hội là dữ liệu mở cho người dân và doanh nghiệp. Vấn đề này, cần được quy định trong luật pháp và trong các quy định của Chính phủ. Hiện nay, chúng ta chưa có một luật nào về dữ liệu mở và bảo vệ thông tin cá nhân.
Mặc dù vậy, nhưng với các tập đoàn lớn như FPT thì việc nghiên cứu AI, dữ liệu lớn vẫn phải diễn ra. Vậy FPT đang thu thập dữ liệu, phân tích và sử dụng nó như thế nào?
Hiện nay, với tư cách là công ty phụng sự quốc gia, chúng tôi đã xây dựng một hạ tầng trí tuệ nhân tạo mở. Hiện, 1 tháng có 4 triệu người dùng. Về xử lý tiếng Việt, FPT đang đứng số 1 trên cả IBM, Google… Vì chúng tôi chuyên về tiếng Việt, cả 3 vùng, miền và nhận dạng, tích hợp giọng nói. Chúng tôi cũng phát triển nhận dạng mặt, nhất là bài toán khó như các chứng minh thư bị cũ, bọc nilon, ánh sáng phản chiếu khó. FPT đang cố gắng tập kết dữ liệu để phục vụ cộng đồng.
Việt Nam còn gặp phải sự cạnh tranh của các tập đoàn đa quốc gia như Google hay Facebook, vậy theo ông, điểm thuận lợi và khó khăn khi khai thác dữ liệu lớn cũng như nghiên cứu AI tại Việt Nam?
Chúng ta phân ra 2 khối: Startup và đại chúng; doanh nghiệp. Nếu nói về khối startup và đại chúng, tôi nghĩ rằng cuộc sống không chỉ tìm kiếm bạn bè mà cuộc sống có hàng vạn thứ để khai thác. Quan điểm cá nhân tôi không phải là đối đầu với các tập đoàn khổng lồ để chế tạo lại, mà hãy giải quyết những bài toán mà người Việt đang cần. Nếu nói về kinh tế chia sẻ, tôi nghĩ startup Việt Nam phải sáng tạo, đổi mới hơn, tìm ở giữa biển xanh, những ốc đảo của chính mình để phát triển nó lên. Mảng thứ 2 là mảng cực quan trọng, nền tảng của nền kinh tế, tức là sản xuất ra đồ tiêu dùng, dịch vụ hàng ngày. Ở khu vực này, chuyển đổi số là không gian mênh mang, vì vậy, chúng ta rất cần người tài, đội ngũ tài năng.
Về vấn đề này, Việt Nam có lợi thế, vì AI thực chất là 1 phiên bản của toán học mà Việt Nam lại có truyền thống toán học. Hiện thế giới có khoảng 22.000 chuyên gia về dữ liệu, trong đó, cấp cao có 5.000 người, theo những thống kê không đầy đủ, Việt Nam chiếm gần 1/10 trong số đó. Nhưng làm thế nào để khai thác lợi thế đó, làm thế nào để Việt Nam tiến thật nhanh về nền kinh tế số - đó là thách thức của cả một dân tộc.
Một số người cho rằng nếu kinh tế số chuyển đổi quá nhanh dẫn đến nguy cơ nhiều người mất việc, ông suy nghĩ gì về vấn đề này?
Đó là sự thật. Theo một số báo cáo, cứ 4 người Việt Nam thì 3 người có nguy cơ mất việc trong thời gian tới. Vấn đề này không phải chỉ diễn ra ở Việt Nam mà cả toàn cầu và không chỉ xảy ra với lao động đơn giản. Ở Hoa Kỳ, người ta khuyên không nên vào đại học ngành kiểm toán và luật sư - 2 ngành đáng trọng vọng nhất. Tại sao lại nói như vậy? Hiện tại các tập đoàn kiểm toán lớn, tư vấn lớn của thế giới, 85% công tác kiểm toán dùng máy, đó là sự đe dọa.
Xin cảm ơn ông!