Phát triển kinh tế tuần hoàn giúp xanh hóa doanh nghiệp Xác định tiềm năng, nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước nhanh, bền vững |
Trải qua gần 40 năm đổi mới, các quan điểm của Đảng ta về phát triển kinh tế nhanh, bền vững luôn được bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.
Tại Đại hội lần thứ VI (năm 1986), Đảng ta nêu rõ quan điểm “Ổn định và phát triển gắn liền với nhau trong quá trình vận động tiến lên, ổn định để phát triển và có phát triển mới ổn định được”. Đến Đại hội lần thứ VII của Đảng (năm 1991), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 1991 - 2000 đã được xác định: “Tăng trưởng kinh tế nhanh, hiệu quả cao và bền vững”. Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996) khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”. Đại hội lần thứ IX của Đảng (năm 2001) tiếp tục khẳng định quan điểm: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đối với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”.
Trong Nghị quyết Đại hội X (2006), Đảng ta đã rút ra kinh nghiệm về phát triển kinh tế - xã hội để: “Phải thật sự coi trọng chất lượng, hiệu quả tăng trưởng và phát triển bền vững. Tăng cường huy động phải gắn với sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước”.
Đáng chú ý quan điểm phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 nhanh, bền vững đã được xác định rõ hơn nội hàm từ Đại hội XI, thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược...”.
Đến Đại hội lần thứ XII, Đảng ta có bước phát triển mới trong nhận thức và tư tưởng phát triển nhanh, bền vững với nội dung cốt lõi: “Bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở bền vững kinh tế vĩ mô và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. “Phát triển nhanh và bền vững (hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hợp quốc); giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường”.
Ảnh minh hoạ |
Đại hội lần thứ XIII của Đảng trong điều kiện mới đã chỉ rõ: “Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: phát triển kinh tế xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Nhìn lại thực tiễn tiến trình từ khi công cuộc Đổi mới được phát động đến nay, có thể nhận thấy quan điểm phát triển nhanh, bền vững đã sớm được Đảng và Nhà nước ta đặt ra với nội dung ngày càng hoàn thiện để dần trở thành một chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong lãnh đạo quản lý, điều hành tiến trình phát triển đất nước trong gần 4 thập kỷ qua. Thực tiễn cũng cho thấy đây là một yêu cầu tất yếu của quá trình phát triển.
Xuất phát từ nhận thức sâu sắc, toàn diện quan điểm về phát triển nhanh, bền vững, có sự kế thừa từ nhận thức và xu hướng phát triển chung của các nước trên thế giới, Đảng ta luôn có sự vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh cụ thể của nước ta.
Trong điều kiện của nước ta hiện nay, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững cũng có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại với nhau. Trong đó phát triển kinh tế - xã hội bền vững là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, ngược lại phát triển nhanh là cơ sở, nguồn lực cho phát triển bền vững. Do đó, phát triển nhanh và bền vững phải được thực hiện đồng bộ, luôn gắn chặt với nhau trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Quan điểm phát triển kinh tế nhanh và bền vững được thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 với tư duy và cách tiếp cận mới theo đó phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Từ nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, Đảng ta coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đồng thời, “phát huy tối đa lợi thế của các vùng, miền; phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng chính sách, người có công, người nghèo, người yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số”.
Rõ ràng là những nội hàm phát triển nhanh và bền vững như đã nêu trên đã khẳng định một thực tiễn trong phát triển của đất nước những năm qua và cả giai đoạn tới là tất hướng tới tương lai tốt đẹp của đất nước, của Nhân dân giữa những biến thiên bất lợi của thời đại, tất cả vì “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” và không để ai bị bỏ lại phía sau trên tiến trình phát triển. Đó cũng là những bằng chứng hùng hồn, thuyết phục; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.