Phát triển KCN thông minh yêu cầu tất yếu
Bà Cao Thị Phi Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Ðầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: Việc thúc đẩy CNTT phát triển mạnh để kết hợp với sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Các DN TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung cần tận dụng thời cơ, không nên trì hoãn ứng dụng CNTT để nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.
Nhiều giải pháp ứng dụng CNTT cho các DN hoạt động trong các KCX- KCN, góp phần phát triển hạ tầng các KCN thông minh |
Hiện nay, các KCN - KCX và các đơn vị liên quan đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư ứng dụng CNTT theo định hướng chung của thành phố. Ðây là cơ sở quan trọng để phát triển các KCN - KCX trên địa bàn thành phố theo mô hình KCN thông minh, đáp ứng xu thế chung của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ðịnh hướng phát triển CNTT của TP giúp các DN hoạt động trong các KCN - KCX có cơ hội tìm hiểu, ứng dụng các công nghệ tiên tiến nhằm cải tiến hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh, định hướng phát triển theo hình mẫu thông minh, đáp ứng xu thế phát triển nhanh chóng của Việt Nam và thế giới.
Theo thống kê cho thấy, tính đến nay cả nước có gần 330 KCN - KCX được thành lập, trong đó có hơn 250 khu hoạt động với tổng diện tích 66 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy 73%. Hiện TP. Hồ Chí Minh có 17 KCN - KCX, khu công nghệ cao đang hoạt động với diện tích hơn 3.800 ha, tỷ lệ lấp đầy gần 73%.
Ông Trần Thiên Long - Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội các DN KCX- KCN TP. Hồ Chí Minh (HBA) - cho biết: Việc xây dựng hệ thống các KCN - KCX thông minh đã trở thành xu thế chung trên toàn thế giới và được TP. Hồ Chí Minh chú trọng thực hiện trong nhiều năm qua. CNTT có sức mạnh thay đổi cục diện của một nền sản xuất khi mọi thứ đều tự động hóa, đồng thời sẽ giúp lãnh đạo các KCN - KCX và DN có thể dễ dàng kiểm soát toàn bộ hệ thống thông qua các thiết bị thông minh. Từ đó, hạn chế sự phụ thuộc vào nhân công và giảm đến mức thấp nhất các sai sót do con người trực tiếp thực hiện và tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Nhiều ứng dụng phát triển KCX- KCN thông minh
Ông Lâm Nguyễn Hải Long - Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) - đơn vị dẫn đầu ứng dụng CNTT để xây dựng KCN thông minh tại TP cho biết: QTSC đã và đang triển khai xây dựng mô hình KCN thông minh tại QTSC với ba mục tiêu chính là nâng cao chất lượng quản trị, điều hành; gia tăng sự hài lòng của cộng đồng nội khu và phát triển thương hiệu. Nhờ vậy, hiệu quả mang lại rất đáng ghi nhận như giảm thời gian cung cấp thông tin cho khách hàng từ hai ngày (tương đương 2.880 phút) xuống còn hai phút; giảm chi phí chuyển thông tin cho khách hàng từ 15 nghìn đồng xuống còn 3.000 đồng/khách hàng. Việc ứng dụng CNTT còn giúp quản lý, truy xuất dữ liệu của từng mảng hạ tầng riêng biệt trên cùng một ứng dụng một cách dễ dàng, tăng hiệu quả phối hợp công việc giữa các bộ phận và thuận tiện trong việc chia sẻ thông tin, hỗ trợ thống kê, báo cáo số liệu một cách tức thời.
Ông Trần Thiên Long cho biết thêm, hiện nay với giải pháp ATALINK của Công ty Cổ phần Công nghệ ATALINK đã giúp kết nối nhà cung cấp và xây dựng được chuỗi cung ứng cho các DN trong KCN - KCX với mục tiêu có từ 2.000 - 5.000 nhà cung cấp đã được kết nối thành công. Hiện nay có rất nhiều hội, hiệp hội, tổ chức và hơn 2.500 DN đang hoạt động trên nền tảng ATALINK. Đây được đánh giá là giải pháp thiết thực và hiệu quả giúp các DN tiết kiệm thời gian, chi phí trong sản xuất, kinh doanh và mở rộng chuỗi cung ứng.
Với giải pháp số hóa nhà máy của Công ty Hitachi Vantara Việt Nam (HVN) đã giúp hoạt động quản lý sản xuất của DN được ghi lại vào hệ thống IoT để phân tích và đánh giá hiệu quả thiết bị tổng thể, từ đó lên kế hoạch cải tiến hiệu quả sản xuất. Từ đó giúp DN tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí, tối ưu hóa, giảm thiểu sai sót trong quá trình sản xuất, kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh và nhanh chóng khắc phục để đảm bảo sản xuất không bị gián đoạn.
Giúp DN trong các KCX- KCN thực hiện quan trắc môi trường tự động và giám sát an ninh, giải pháp quan trắc môi trường tự động của Công ty Sao Bắc Đẩu giúp đo các thông số quan trắc bằng các cảm biến tự động. Các thông số có thể được lựa chọn và thay đổi một cách linh hoạt tùy nhu cầu thực tế tại vị trí quan trắc: Đioxit (SO2), Nitơ đioxit (NO2), Nitơ oxit (NOx), Cacbon monoxit (CO), Ozon (O3), bụi kích thước nhỏ PM10/PM2.5, tốc độ gió và hướng gió, độ ẩm, nhiệt độ, áp suất, bức xạ mặt trời...
Và còn nhiều các ứng dụng, giải pháp nhằm tối ưu quản trị, sản xuất của DN đến từ các DN CNTT như TMA, Sao Bắc Đẩu, Lạc Việt, AES, FSI, Ricoh, HPT... nhằm giúp nhà quản lý và DN trong các KCX- KCN có những trải nghiệm, ứng dụng thực tiễn vào quá trình sản xuất kinh doanh theo mô hình các KCX - KCN thông minh.