Lý do giúp kinh tế Bắc Ninh “thoát đáy”? Vi phạm bảo vệ môi trường: UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành quyết định xử phạt Công ty địa ốc Sông Hồng |
Lấy văn hóa để tạo sức hút mới
Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, địa phương đã đón khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch, tăng 54% so cùng kỳ năm 2023; tổng doanh thu đạt 1.070 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023.
Các đại biểu trải nghiệm làm tranh dân gian Đông Hồ tại sự kiện “Đêm Văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc” tại TP. Paris (Pháp) |
Với bề dày lịch sử và văn hóa là những lợi thế để Bắc Ninh phát triển du lịch. Theo đó, cùng với việc tổ chức các lễ hội truyền thống từ đầu xuân, như: Hội Lim, hội chùa Phật Tích (huyện Tiên Du); chùa Bút Tháp (thị xã Thuận Thành), hội Đền Bà Chúa kho, hội Diềm (TP. Bắc Ninh)… các địa phương trong tỉnh có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch phong phú sôi động, thu hút đông đảo người dân và du khách.
Bên cạnh đó, việc tích cực triển khai các chương trình, hoạt động kích cầu du lịch nội địa năm 2024 và tăng cường công tác bảo đảm an toàn hoạt động du lịch trong dịp nghỉ lễ, cao điểm du lịch hè trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch thực hiện niêm yết công khai và bán đúng giá, nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm sự hài lòng của du khách… đã tạo chuyển biến tích cực về phát triển du lịch cho Bắc Ninh.
Đặc biệt, để lan tỏa giá trị văn hóa, những ngày cuối tháng 5 vừa qua tại TP. Paris (Pháp), Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Đại sứ quán và Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp tổ chức “Đêm Văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc” đầy màu sắc, nhân kỷ niệm 15 năm Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (2009 - 2024).
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh, sự kiện có sự tham dự của gần 200 đại biểu, trong đó có gần 30 đại sứ các nước bên cạnh UNESCO từ khắp châu lục, cùng lãnh đạo cơ quan, tổ chức của Pháp, cơ quan đại diện ngoại giao và tổ chức quốc tế đặt tại Paris, Hội đoàn người Việt Nam tại Pháp. Chương trình đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế đối với văn hóa, con người Bắc Ninh nói riêng và với đất nước, dân tộc Việt Nam nói chung.
Thêm một tin vui cho du lịch Bắc Ninh là năm 2025, nghệ thuật làm tranh dân gian Đông Hồ sẽ được UNESCO xem xét đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Vì vậy, phát biểu tại sự kiện này, ông Trịnh Hữu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh – nhấn mạnh, Bắc Ninh đã thực hiện có hiệu quả cam kết của Chính phủ Việt Nam với UNESCO về bảo tồn và phát triển Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – Dân ca Quan họ Bắc Ninh; dành nhiều nguồn lực để giới thiệu và quảng bá Dân ca Quan họ Bắc Ninh tới bạn bè quốc tế.
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cũng khẳng định, giá trị đặc sắc của loại hình tranh dân gian Đông Hồ từ nội dung, màu sắc, cách làm.... tất cả đều phảng phất hồn quê, phong vị, đi vào cuộc sống của người dân Bắc Ninh - Kinh Bắc. Hiện nay, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ được các cấp, ngành quan tâm, hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.
Đứng trước nguy cơ bị mai một, Chính phủ Việt Nam đã quyết định trình UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách đề cử Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Ông Hùng mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế để năm 2025 loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc này được UNESCO ghi danh.
Tạo thêm trải nghiệm mới
Dù đã có được những kết quả khích lệ, song thẳng thắn nhìn nhận, du lịch Bắc Ninh chưa phát triển tương xứng với tiềm năng địa phương sở hữu. Để tăng tính hấp dẫn của các điểm đến, giới chuyên gia cho rằng, địa phương cần có thêm dịch vụ bổ trợ như giải trí về đêm, trung tâm mua sắm, điểm dừng nghỉ vui chơi, check in... từ đó mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm mới.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã ban hành Thể lệ Cuộc thi sáng tác, thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch tỉnh Bắc Ninh với chủ đề “Lan tỏa di sản văn hóa Bắc Ninh”.
Bên cạnh đó, trong quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 8 khu du lịch cấp tỉnh; 1 khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia tại Nam Sơn – TP. Bắc Ninh, trọng tâm gắn với quần thể di tích lịch sử, văn hóa chùa Dạm, núi Dạm, ngòi Con Tên. Đồng thời, phát triển mới các khu du lịch, dịch vụ vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng và sân golf, phấn đấu hình thành 7 sân golf tại thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du, huyện Gia Bình.
Đến năm 2050, phấn đấu trở thành thành phố xanh, thông minh, hiện đại, đáng sống với trình độ phát triển cao, mang đậm bản sắc văn hóa Bắc Ninh - Kinh Bắc. Người dân được thụ hưởng các dịch vụ xã hội và chất lượng cuộc sống ngang với các nước phát triển trong khu vực châu Á.
Phương án phát triển du lịch được chia thành 2 khu vực; trong đó, vùng Bắc sông Đuống gồm: TP. Bắc Ninh, TP. Từ Sơn, thị xã Quế Võ và các huyện Yên Phong, Tiên Du. Trong đó, trung tâm du lịch và giải trí nằm ở Đông Bắc TP. Từ Sơn và phía Tây huyện Tiên Du. Các loại hình dịch vụ, du lịch chủ yếu như du lịch hội nghị - hội thảo - sự kiện, dịch vụ vui chơi giải trí, du lịch văn hóa...
Với vùng Nam sông Đuống, gồm: Thị xã Thuận Thành, huyện Gia Bình, huyện Lương Tài, tập trung nhiều làng nghề, di tích lịch sử - văn hóa, thuận lợi cho phát triển du lịch sông nước, kết nối thuận tiện với không gian du lịch phía Bắc sông Đuống và các vùng phụ cận. Các loại hình dịch vụ, du lịch tiềm năng ở khu vực này như du lịch sinh thái nông nghiệp, nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan, du lịch sông nước, du lịch cộng đồng, sân golf… Trong đó, vùng đô thị Hồ, thị xã Thuận Thành trong vai trò đô thị cửa ngõ kết nối với Hà Nội, là trung tâm du lịch vùng phía Nam của tỉnh Bắc Ninh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, làng nghề truyền thống tranh Đông Hồ.
Vùng không gian sông Đuống và hành lang sông Đuống, trục hành lang sinh thái quan trọng của tỉnh, phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch sông nước.
Hát quan họ là một trong những "đặc sản" của du lịch Bắc Ninh |
Ngoài ra, theo phân bố khu chức năng phát triển theo tuyến, Bắc Ninh cũng tập trung phát triển các điểm đến hấp dẫn như: Làng Quan họ Diềm - không gian di sản văn hóa thế giới Quan họ Bắc Ninh; đồi Lim với lễ hội Quan họ Quốc gia; Đền Bà Chúa Kho, Thành cổ Bắc Ninh, chùa Hàm Long, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, làng nghề gốm Phù Lãng...; quần thể di tích danh thắng núi Thiên Thai, bến Bình Than, Đền thờ Cao Lỗ Vương, Đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh, các làng quê Bắc Bộ mang nét đặc trưng dọc sông Đuống…
Cùng với sự mở rộng kết nối, dựa vào vốn văn hóa bản địa để xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt, không trùng lặp… hy vọng trong thời gian ngắn, du lịch Bắc Ninh tạo sức hút mạnh mẽ, phù hợp với xu hướng, thị hiếu của đa dạng du khách.
Mới đây, nền tảng cung cấp dịch vụ du lịch trực tuyến Agola đã chia sẻ danh sách những điểm đến mới của Việt Nam, trong đó, Bắc Ninh ghi nhận lượng tìm kiếm tăng 234%. Danh sách này dựa trên kết quả so sánh dữ liệu tìm kiếm cùng kỳ năm 2022 và 2023 về những điểm đến mới nổi đang thu hút sự quan tâm ngày càng lớn từ du khách trong và ngoài nước. |