Du lịch cộng đồng (DLCĐ) là một trong những loại hình du lịch hướng tới sự phát triển bền vững của một địa phương, của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế vùng, kinh tế nông thôn và có thể chia sẻ lợi ích từ phát triển du lịch trực tiếp cho người dân địa phương. Ở Việt Nam, loại hình này xuất hiện từ năm 1997 tại một số tỉnh, thành phố như: Hòa Bình, Lào Cai, Quảng Nam, đến nay đã mở rộng trên khắp các tỉnh, thành phố trong toàn quốc. Đến năm 2020, cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động DLCĐ, có hơn 5.000 homestay hoạt động với sức chứa gần 100.000 khách.
Du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách |
Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch (TCDL) – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: DLCĐ đã đem lại nhiều lợi ích kinh tế-xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cộng đồng, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo của Đảng và nhà nước. Đồng thời, giúp khai thác, phát huy, giới thiệu và góp phần bảo tồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Điển hình như mô hình thành công Sin Suối Hồ ở Lai Châu, trong đó các bên tham gia được chia sẻ lợi ích, tạo được sản phẩm hấp dẫn và sự gắn kết của các thành viên trong cộng đồng rất chặt chẽ để phục vụ khách.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quý Phương – Vụ trưởng Vụ Lữ hành - TCDL, nhiều địa phương, việc nhận diện tài nguyên và khả năng phát triển DLCĐ chưa được thực hiện, hay chỉ phát triển khi có các dự án tài trợ; một số nơi dần mất bản sắc văn hóa vì kinh doanh chạy theo lợi nhuận, bỏ qua yếu tố bảo tồn như trường hợp làng bảo tồn văn hóa Mông tại Hà Giang; nhiều địa phương khó khăn về hạ tầng giao thông, chưa có điện, thiếu nước, thiếu nơi đón tiếp khách… như Cao Bằng, Tây Nguyên… Một số điểm DLCĐ đã xây dựng được website tuy nhiên chỉ dừng lại ở bước quảng bá hình ảnh, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ chứ chưa tích hợp được hình thức giao dịch thương mại điện tử.
Đặc biệt, theo ông Trần Quốc Hùng - Học viện Dân tộc, Ủy ban Dân tộc: Đáng lo ngại và cản trở nhất là chất lượng nhân lực, phương thức quản lý, sản phẩm dịch vụ, truyền thông của DLCĐ chưa chuyên nghiệp... Do vậy, để loại hình du lịch này trở thành sản phẩm có chất lượng, thu hút du khách… rất cần chuyên môn hóa các kỹ năng trong việc tổ chức hoạt động các dịch vụ du lịch; tránh tình trạng phát triển ồ ạt, quy hoạch chồng quy hoạch. Đồng thời, cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho DLCĐ, đảm bảo hài hòa lợi ích một cách công bằng, bình đẳng giữa cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền.
Trước những tồn tại của DLCĐ, TCDL cũng đã có định hướng tập trung phát triển DLCĐ theo hướng phát triển bền vững, giữ bản sắc, không gây tác động lớn vào không gian văn hóa và hệ sinh thái; đảm bảo phát triển DLCĐ có trách nhiệm với xã hội với chính cộng đồng đó; thực hiện bảo tồn song song với phát huy giá trị tài nguyên tự nhiên và tài nguyên văn hóa. Chú trọng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng miền, địa phương, tạo sức hút với du khách từ những điểm khác biệt
Đại dịch Covid-19 đang làm thay đổi hướng đi của ngành du lịch trên thế giới, trong đó các điểm đến an toàn, không dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu của khách du lịch ở mọi phân khúc. Do đó, các loại hình DLCĐ sinh thái, khám phá, nghỉ dưỡng ở các điểm đến xa thành phố sẽ được quan tâm, lựa chọn trong thời gian tới.
Tới đây, TCDL sẽ đẩy mạnh lồng ghép quảng bá các sản phẩm, điểm đến DLCĐ vào chiến dịch quảng bá du lịch trong nước, nhằm hỗ trợ người dân kỹ năng quảng bá du lịch; hỗ trợ truyền thông DLCĐ trên các mạng xã hội. |