Tìm kiếm các giải pháp phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam |
Đô thị tăng vượt bậc
Tại buổi trao đổi thông tin phục vụ Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, vào chiều ngày 16/5, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương - cho biết: Giai đoạn 2010-2020, đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống đô thị tăng nhanh về số lượng, hình thành hai vùng đô thị lớn có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng cùng các đô thị phân bố rộng khắp các vùng, miền.
Đến hết năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam là 36,8%. |
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam năm 2010 là 30,39%, đến năm 2020 là 36,8%.
Quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ nhất tại 2 vùng kinh tế - xã hội quan trọng, đó là vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Đông Nam Bộ, thấp nhất tại vùng Trung Du miền núi phía Bắc.
Đô thị hóa và phát triển đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; sự phát triển của một số đô thị đã tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn...
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được thì lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập trong phát triển đô thị hiện nay. Đó là, đô thị hóa không đồng đều giữa các vùng, miền; tỷ lệ đô thị hóa không đạt mục tiêu đề ra, thấp hơn nhiều so với mức trung bình các nước trong khu vực và thế giới; phát triển theo chiều rộng là chủ yếu với mật độ thấp và phân tán, gây lãng phí về đất đai, hạn chế tích tụ kinh tế; hệ thống đô thị phát triển không cân đối, thiếu sự liên kết, chưa có sự phân định và chia sẻ chức năng trong từng vùng và giữa các vùng; đầu tư cho phát triển đô thị còn dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị cho phát triển đô thị...
Thực tế này đang đặt ra cho các ngành chức năng cần có giải pháp đồng bộ như phát triển đô thị lớn thành các cực tăng trưởng; nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách riêng về nhà ở cho khu công nghiệp, coi nhà ở công nhân là 1 hạ tầng thiết yếu trong khu công nghiệp. Hạ tầng xanh, vật liệu xanh, công trình xanh trong phát triển đô thị; phân định rõ các vùng, ứng dụng cơ sở dữ liệu cho quy hoạch…
Phát triển cần phù hợp với thực tiễn
Theo quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì: Đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa cần đạt tối thiểu 45%. Kinh tế khu vực đô thị đạt khoảng 75% GDP cả nước; tỷ lệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự chủ về tài chính đạt trên 35%.
Đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50% và phấn đấu đạt mức trung bình ASEAN. Kinh tế khu vực đô thị đạt khoảng 85% GDP cả nước; tỷ lệ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự chủ về tài chính đạt trên 60%. Có khoảng 10-15 đô thị phê duyệt và thực hiện Đề án tổng thể về phát triển đô thị tăng trưởng xanh. Xây dựng được 3-5 đô thị có thương hiệu được công nhận tầm khu vực và quốc tế.
Tầm nhìn đến năm 2045, tỷ lệ đô thị hóa thuộc nhóm trung bình cao của khu vực ASEAN và châu Á. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới đồng bộ, thống nhất, cân đối giữa các vùng, miền, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, phát triển theo hướng đô thị xanh, văn minh, có bản sắc và có tính tiên phong, dẫn dắt các hoạt động đổi mới sáng tạo, trở thành động lực của phát triển…
Để đạt được mục tiêu, quy hoạch cũng đặt ra một số giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị nhanh và bền vững; xây dựng và phát triển hệ thống đô thị quốc gia đồng bộ về mạng lưới và chất lượng đô thị; phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý, phát triển thị trường bất động sản và nhà ở ổn định, lành mạnh, minh bạch, bền vững…
Giới chuyên gia cũng chỉ ra, việc đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị; xây dựng hệ thống đô thị… cần phân bố hợp lý, thể hiện rõ vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của từng vùng và cả nước. Hạ tầng khung của đô thị, nhất là hạ tầng kết nối các đô thị phải được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển không gian, dân cư và kinh tế đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Kiến trúc đô thị hiện đại, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy. Hình thành và phát triển một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới…
Đến cuối năm 2020, nước ta có tổng số 862 đô thị, tăng 114% so với năm 2010; các chuỗi, chùm đô thị được hình thành và phân bố tương đối hợp lý trên 6 vùng kinh tế xã hội của quốc gia, dọc hành lang biên giới, ven biển, hải đảo và trên các tuyến hành lang Đông - Tây. |