Tiềm năng hình thành cụm công nghiệp trên nhiều vùng
Hiện nay, một số cụm công nghiệp của Việt Nam đang tồn tại và phát triển ở dạng: làng nghề truyền thống, cụm công nghiệp tại các khu công nghiệp (KCN) như Bắc Thăng Long (Hà Nội), Quế Võ (Bắc Ninh), Samsung (Thái Nguyên), KCN cao TP. Hồ Chí Minh…
Theo PGS-TS. Nguyễn Ngọc Sơn- Trường Đại học Kinh tế quốc dân- Việt Nam có thể phát triển các CNCN trên cơ sở liên kết vùng như: Công nghiệp điện tử ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng. Hà Nội cũng đang tập trung nhiều tập đoàn đa quốc gia như Canon, Samsung, Nokia, LG và nhiều doanh nghiệp vệ tinh.
Ngoài ra, có thể hình thành CNCN sản xuất lắp ráp ôtô xe máy ở vùng trọng điểm Bắc bộ; CNCN dệt may ở Đồng bằng sông Hồng; CNCN hóa chất ở Phú Thọ, Lai Châu, Bắc Giang; CNCN luyện cán thép ở Đồng bằng sông Hồng và khu vực đông bắc gồm Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng…
Ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, vị trí địa lý phù hợp cho phát triển các CNCN hóa dầu tại các khu kinh tế Nghi Sơn, Quảng Ngãi; công nghiệp xi măng, mía đường và giấy ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi; chế biến gỗ tại Bình Định và Tây Nguyên…. Còn ở khu vực phía Nam, nên hướng trọng tâm vào công nghiệp luyện cán thép, dệt may tại Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu; chế biến thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long; công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin tại TP. Hồ Chí Minh và những tỉnh lân cận với Intel đóng vai trò là doanh nghiệp chủ đạo.
Cần chiến lược tổng thể
Thực tế, Việt Nam mới chỉ có khung khổ pháp lý cho phát triển các KCN, khu chế xuất… hay các cụm công nghiệp mà chưa có quy định phát triển của CNCN. PGS-TS. Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, Chính phủ cần xây dựng chiến lược phát triển mạng lưới CNCN Việt Nam trong thời gian tới. Đây là vấn đề cốt lõi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam. Khai thác lợi thế vị trí nhưng phải hướng tới bền vững. Các chính sách hỗ trợ không dàn trải trên tất cả các ngành mà theo lộ trình, cần tập trung vào những ngành công nghiệp then chốt để vừa phát huy khả năng hiện có, lại giúp định vị vùng trên bản đồ công nghiệp Việt Nam và quốc tế.
TS. Nguyễn Ngọc Sơn đề xuất: Các chính sách nên tập trung vào cung cấp dịch vụ hỗ trợ, đầu tư trọng điểm, phát triển lực lượng lao động, tổ chức lại các liên minh và cụm ngành để thúc đẩy hình thành các liên kết bên ngoài. Vấn đề quan trọng là đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các ngành điện tử, cơ khí, đóng tàu, dệt may và da giày. Đặc biệt, từ nay đến năm 2020, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cần gắn với các ngành công nghiệp mũi nhọn của các vùng, nên hướng tới các hỗ trợ cụ thể cho doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành.
PGS-TS. Nguyễn Ngọc Sơn- Trường Đại học Kinh tế quốc dân: Để thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, bắt kịp và vượt qua bẫy thu nhập trung bình thì việc triển khai chính sách phát triển các cụm ngành công nghiệp là hết sức quan trọng đối với Việt Nam. |