Phát triển Cụm công nghiệp Thanh Đa, Phúc Thọ, Hà Nội: Đừng để dự án lớn chậm trễ vì “ách tắc” nhỏ - Bài 1: Nỗ lực và rào cản
Xác định việc phát triển công nghiệp có ý nghĩa quan trọng, thời gian qua, huyện Phúc Thọ đã vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển cụm công nghiệp. Hiện vẫn còn một số vướng mắc song huyện Phúc Thọ đang có những giải pháp quyết liệt để tháo gỡ với phương châm đặt quyền lợi của đông đảo người dân lên cao nhất.
Bám sát quy định, đặt người dân làm trung tâm
Trong năm 2020, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định chủ trương đầu tư phát triển 6 cụm công nghiệp (CCN) tại huyện Phúc Thọ gồm: Tam Hiệp, Nam Phúc Thọ, Liên Hiệp, Thanh Đa, Long Xuyên, Võng Xuyên với tổng số vốn gần 2.000 tỷ đồng. Đây là tiền đề cơ bản để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở rộng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; đồng thời giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất trong khu dân cư, tăng thu ngân sách cho huyện một cách bền vững trong những năm tới. Điều này còn phù hợp với quy hoạch đồng bộ chung, giúp Hà Nội phát triển toàn diện phát huy hết vai trò, tiềm năng, thế mạnh tương xứng với vai trò, vị thế của Thủ đô.
Khu vực triển khai mặt bằng triển khai CCN Thanh Đa hiện chưa thể triển khai theo đúng kế hoạch |
Để sớm đưa các CCN đi vào hoạt động theo đúng chủ trương của thành phố và cụ thể hóa các mục tiêu của Đại hội đại biểu lần thứ XXI (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ huyện, Phúc Thọ quyết tâm xây dựng huyện thành vành đai xanh, vùng quê trù phú và đáng sống. Ông Nguyễn Đình Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Toàn bộ hệ thống chính trị của huyện đã luôn xác định phương châm “lấy người dân làm trung tâm, chất lượng sống làm cơ bản” tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân để đẩy nhanh tiến độ triển khai các CCN.
Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, lãnh đạo huyện Phúc Thọ cũng cho rằng quá trình phát triển các CCN còn tồn tại không ít những thách thức, bất cập, nổi bật là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là khâu khó nhất. Song với “kim chỉ nam” “khó không nản, nản không làm”, UBND huyện Phúc Thọ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành huyện, các địa phương thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu trong thực hiện GPMB trên cơ sở bám sát theo các hướng dẫn và quy định của pháp luật, đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động người dân.
Chính nhờ những nỗ lực từ việc phát triển sản xuất, hình thành các CCN tại địa phương nên năm 2021, huyện Phúc Thọ thực hiện đạt và vượt 20 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Hội đồng nhân dân huyện giao. Toàn huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí cũ, hộ cận nghèo giảm chỉ còn 93 hộ.
“Tắc” vì hai hộ dân chưa đồng thuận
Trao đổi về công tác GPMB trên địa bàn huyện Phúc Thọ, ông Trần An Trung, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Phúc Thọ (TTPTQĐ) cho biết: Xác định công GPMB là khâu then chốt, góp phần không nhỏ trong việc đẩy nhanh tiến độ dự án. Chính vì vậy, tại các bước xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, huyện luôn chú trọng phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là cấp xã tham gia tuyên truyền, đối thoại, vận động đến nhân dân để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Nhà xưởng mọc san sát trong khu dân cư tại xã Thanh Đa |
Đặc biệt, huyện luôn chỉ đạo bám sát các quy định, hướng dẫn trên cơ sở đặt quyền lợi chính đáng, bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp lên cao nhất nhưng trên tinh thần tôn trọng các quy định của pháp luật. Công khai đến các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất, tài sản trên đất bị thu hồi toàn bộ các cơ sở pháp lý, các văn bản liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, gặp gỡ, đối thoại thường xuyên để giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của người dân.… Chính vì vậy, trong 6 CCN đã được phê duyệt của huyện Phúc Thọ đến nay đã hoàn thành cơ bản hơn 96% GPMB.
Công tác GPMB phục vụ phát triển CCN đáp ứng theo tiến độ đề ra và đáp ứng được mong mỏi của đại đa số người dân đang là điểm sáng của Phúc Thọ. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn tồn tại những “rào cản”. Lấy dẫn chứng trong quá trình bồi thường, GPMB tại CCN Thanh Đa, xã Thanh Đa, ông Trần An Trung cho biết: Ngay khi nhận nhiệm vụ được giao, TTPTQĐ đã thực hiện tham mưu kế hoạch thu hồi đất trình UBND huyện phê duyệt. CCN Thanh Đa được thành lập nhằm di dời các cơ sở sản xuất gỗ ra khỏi khu dân cư có tổng quy mô khoảng 10ha trong đó quy mô giai đoạn 1 là 8,3ha. Hiện có một số thông tin cho rằng, Quyết định 2743/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 của UBND TP. Hà Nội về việc thành lập CCN Thanh Đa, có quy mô 8,3ha, trái với quy hoạch là hoàn toàn không đúng. Bởi trước khi được phê duyệt, quy hoạch CCN đã được các sở, ngành thẩm định rất kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi người dân.
Bên cạnh đó, ông Trung còn cho biết dự án CCN Thanh Đa có diện tích bị thu hồi là 8,3ha, trong đó có 78 hộ dân nằm thuộc đối tượng phải thu hồi đất. Tuy nhiên, đến nay, 76 hộ dân đã đồng thuận nhận tiền chỉ còn 2 hộ dân không đồng ý là hộ ông Nguyễn Duy Biên Thùy và ông Nguyễn Văn Sáng. Trong quá trình thực hiện GPMB, TTPTQĐ đã thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục như ban hành thông báo thu hồi, niêm yết công khai, phối hợp kiểm đếm... đồng thời phổ biến các quy định nhưng 2 hộ này không chấp hành luôn đòi hỏi phải thỏa thuận với chủ đầu tư.
“2 hộ này hoàn toàn không hợp tác, trước khi bị cưỡng chế kiểm đếm, TTPTQĐ đã đến tuyên truyền, vận động trước sự có mặt của 2 hộ này và đông đảo các ban, ngành. Thông tin cho rằng, chúng tôi tự động cắt khóa cửa vào cưỡng chế kiểm đếm là không chính xác”- ông Trung khẳng định.
Thông tin về việc này, ông Nguyễn Đình Sơn cũng cho biết: Đại đa số người dân xã Thanh Đa đều ủng hộ chủ trương của Nhà nước để phát triển làng nghề. Chỉ có 1 số ít đòi hỏi cao, luôn yêu cầu phải thỏa thuận với chủ đầu tư nhưng quy định không cho phép. 2 hộ không hợp tác tổ chức kiểm đếm tại Thanh Đa với lý do không muốn bỏ ra và đòi thỏa thuận.
“Trong thời gian qua, toàn huyện có 257 trường hợp vi phạm đất đai nhưng chỉ có 2 hộ phải cưỡng chế nhưng UBND huyện sẽ vào cuộc quyết liệt. 2 hộ này cũng gây ra khó khăn nhưng quan điểm của huyện là thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục và “đã làm thì không nản” vì quyền lợi, chất lượng sống của đông đảo người dân”- ông Sơn khẳng định.
Lãnh đạo huyện Phúc Thọ cũng cho biết song song với việc tuyên truyền, vận động nhưng huyện đang xây dựng hồ sơ cho cả phương án cưỡng chế nhằm tránh việc triển khai dự án quá lâu, ảnh hưởng đến dòng vốn của nhà đầu tư.
Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin.