Phát triển công nghiệp vật liệu: Khoa học công nghệ phải đi trước, mở đường

Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, tự chủ, phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu. Muốn đạt được điều đó, trước hết cần có quyết tâm chính trị cao và rõ ràng khoa học và công nghệ phải đi trước, mở đường.

Tại Hội thảo “Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển công nghiệp vật liệu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 25/11, ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Phát triển công nghiệp vật liệu là vấn đề lớn đối với mọi quốc gia, nhất là đối với một đất nước đang thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một nền kinh tế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Phát triển công nghiệp vật liệu: Khoa học công nghệ phải đi trước, mở đường
Ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo

Theo ông Cao Đức Phát: Chúng ta không thể nhập khẩu hết nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Như vậy, giá thành các sản phẩm của nước ta sẽ cao hơn đối thủ cạnh tranh hoặc sẽ biến đất nước thành quốc gia gia công, làm thuê. Đặc biệt, khi thị trường thế giới có biến động như những gì đang diễn ra từ khi có đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp dựa chủ yếu vào nguyên liệu nhập khẩu gặp khó khăn cũng như nhiều ngành gặp khó khăn.

“Để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hiệu quả, tự chủ, phải tự chủ tối đa nguyên vật liệu, nhưng phải là nguyên vật liệu bằng hoặc tốt hơn về chất lượng và rẻ hơn so với nhập khẩu. Muốn đạt được điều đó, trước hết cần có quyết tâm chính trị cao và rõ ràng khoa học và công nghệ phải đi trước, mở đường” - ông Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Để thúc đẩy phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học và và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp vật liệu, ông Cao Đức Phát cho rằng: Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học và công nghệ, trong đó có khoa học và công nghệ về công nghiệp vật liệu. Đặc biệt, cần có cơ chế để phát huy cao năng lực của đội ngũ những người làm khoa học của các viện nghiên cứu, đồng thời tạo điều kiện để cả xã hội, trước hết là cộng đồng các doanh nghiệp tham gia.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, vật liệu công nghiệp là yếu tố có tính nền tảng, nguyên liệu đầu vào cho các thị trường sản xuất hàng hóa. Sản xuất vật liệu công nghiệp có quy mô càng lớn thì giá thành càng rẻ, lợi nhuận và giá trị gia tăng càng cao. Phát triển sản xuất vật liệu công nghiệp cũng sẽ góp phần giảm mạnh nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đồng thời, khắc phục được tình trạng xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô giá rẻ; tranh thủ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và gia nhập. Một trong số những điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan là phải bảo đảm quy tắc xuất xứ, tự chủ được vật liệu. Có như vậy mới tạo ra được ưu thế lớn trong cạnh tranh và xuất khẩu hàng hóa.

Phát triển công nghiệp vật liệu: Khoa học công nghệ phải đi trước, mở đường

Tuy nhiên, về tổng thể thì năng lực sản xuất của công nghiệp vật liệu nước ta vẫn còn nhỏ, năng suất và chất lượng còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, tỷ lệ nội địa hóa sản xuất các loại vật liệu phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo còn thấp, như vật liệu gang chế tạo (đạt dưới 30%); vật liệu nhôm, vật liệu đồng (khoảng 5%); hóa chất cho ngành nhựa, cao su vẫn phải nhập khẩu đến 70%; nguyên liệu cho ngành dệt may phải nhập khẩu gần 90% vải, 80% sợi… Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam hiện nay phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu.

Ông Huỳnh Thành Đạt - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ: Thực hiện chủ trương của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo để góp phần phát triển lĩnh vực công nghiệp vật liệu. Từ năm 2001, đã triển khai chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia về nghiên cứu, ứng dụng và phát triểu vật liệu mới. Bên cạnh đó, các nội dung nghiên cứu, ứng dụng vật liệu cũng đã được ưu tiên lồng ghép trong các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia khác.

Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu, cập nhật được các công nghệ mới, tiên tiến của các nước phát triển. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong nước làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều chủng loại vật liệu mới từ nguồn nguyên liệu trong nước với chất lượng tương đương sản phẩm nhập ngoại, đáp ứng một phần nhu cầu của các ngành sản xuất và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng cho rằng: Tại Việt Nam, nhu cầu vật liệu cho sản xuất phát triển kinh tế - xã hội ngày càng cao, trong khi đó, năng lực sản xuất của công nghiệp vật liệu nước ta vẫn còn nhỏ năng suất và chất lượng còn nhiều hạn chế. Do đó, phát triển ngành công nghiệp vật liệu càng là một đòi hỏi tất yếu để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Làm chủ công nghệ sản xuất vật liệu là một trong các nền tảng cơ bản để làm chủ sản xuất công nghiệp. Chính vì vậy, các quốc gia trên thế giới đều tập trung nguồn lực để phát triển các vật liệu có giá trị chiến lược, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh và nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất.
Quỳnh Nga
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: Ban Kinh tế Trung ương