Mục tiêu đến năm 2020 hình thành và phát triển 500 doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao |
Dự án tham gia chương trình nhằm thực hiện các nhiệm vụ: ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp; nâng cao hiệu quả và phát triển một số dịch vụ ứng dụng công nghệ cao; phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, phạm vi các ngành công nghiệp ưu tiên lựa chọn được nêu tại Quyết định số 347/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Mục tiêu quyết định đến năm 2020: ứng dụng công nghệ cao nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp công nghệ cao đạt khoảng 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo ra các dịch vụ mới có giá trị gia tăng cao. Nâng cao năng lực, hiệu quả, đổi mới công nghệ và đẩy mạnh sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đáp ứng khoảng 45% nhu cầu sản phẩm công nghệ cao thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nước, đồng thời đạt giá trị xuất khẩu khoảng 25% giá trị sản lượng. Đến năm 2020 sẽ hình thành, phát triển khoảng 500 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển. Phát triển mạnh sản xuất sản phẩm công nghiệp, hỗ trợ công nghiệp công nghệ cao, phấn đấu đạt tỷ lệ sản xuất trong nước trong các sản phẩm công nghệ cao đạt khoảng 50% về giá trị.
Các dự án, đề án, nhiệm vụ khác thuộc phạm vi của chương trình được hưởng các ưu đãi theo quy định của Luật công nghệ cao và các quy định tại Quyết định số 2457/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Các dự án sản xuất thử nghiệm, sản xuất sản phẩm công nghệ cao thuộc phạm vi chương trình được ưu tiên xem xét hỗ trợ nguồn kinh phí của các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư theo quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện các chương trình đó. Các dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao trong công nghiệp thụộc phạm vi của chương trình được xem xét hỗ trợ kinh phí từ các quỹ khoa học và công nghệ đối với các chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, thuê chuyên gia nước ngoài.
Hồ sơ đăng ký gửi về Bộ Công Thương, số 54 Hai Bà Trưng - Hoàn Kiếm, Hà Nội trước ngày 4/4/2015, tính theo dấu ghi ngày nhận công văn đến hoặc dấu bưu điện trên hồ sơ. |
Bộ Công Thương là đơn vị được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành có liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện chương trình; hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo; tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan có liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện; xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện. Phối hợp thực hiện với các chương trình thành phần khác thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
Thông báo nêu rõ, dự án công nghệ cao đề xuất phải bao gồm ít nhất một trong các nội dung như: Làm chủ, thích nghi công nghệ cao; triển khai thực nghiệm nhằm tạo ra công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; đầu tư sản xuất thử nghiệm nhằm hoàn thiện công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao; phát triển một số dịch vụ ứng dụng công nghệ cao; sản xuất sản phẩm công nghệ cao; phát triển doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Trong đó, công nghệ cao là công nghệ thuộc Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm công nghệ cao là sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo Quyết định số 66/2014/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ.