Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất phụ gia đa năng nhằm tiết kiệm năng lượng trên cơ sở các hợp chất có chỉ số khúc xạ mol cao, quy mô 5.000 lít/năm” do Phòng Thí nghiệm trọng điểm công nghệ lọc hóa dầu (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) là cơ quan chủ trì. Sản phẩm phụ gia đa năng dự án sản xuất thử nghiệm này đã phát triển được là thế hệ phụ gia hoàn toàn mới ở Việt Nam, sử dụng phù hợp cho mọi nhiên liệu lỏng, gồm xăng, xăng sinh học, diesel, diesel sinh học và dầu đốt lò, với tỷ lệ siêu nhỏ. Ngoài khả năng tiết kiệm nhiên liệu (trung bình đến 10%) và giảm phát thải khí độc hại (trung bình đến 20% tổng các khí thải), phụ gia đa năng còn làm giảm sự hình thành muội trong quá trình hoạt động của động cơ, làm giảm mức độ mài mòn của các thành phần kim loại trong hệ thống nhiên liệu của động cơ.
Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia |
Đây chỉ là một trong những kết quả nổi bật của Chương trình KC.05/16-20 - một trong 7 chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN) trọng điểm cấp nhà nước giai đoạn 2016-2020. TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình KC.05/16-20 cho biết, Chương trình có 23 nhiệm vụ KH&CN, gồm 20 đề tài khoa học và 3 dự án sản xuất thử nghiệm. Chương trình đã cơ bản hoàn thành được mục tiêu, nội dung nghiên cứu. Đặc biệt, kết quả nghiên cứu đã đạt được các chỉ tiêu đề ra trong khung chương trình. “Công nghệ và thiết bị được tạo ra từ kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án thuộc chương trình đều có tính năng kỹ thuật tương đương với sản phẩm tiên tiến cùng loại của các nước trong khu vực; chi phí sản xuất có thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu” - TS. Trần Chí Thành nhấn mạnh.
Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có thể ứng dụng trong ngành kinh tế, kỹ thuật như: Các sản phẩm dược chất phóng xạ với độ tính sạch cao ứng dụng trong công nghệ sản xuất thuốc điều trị và chuẩn đoán ung thư chủ động sản xuất trong nước, giảm bớt nhập khẩu; chế phẩm sinh học cho độ tinh sạch cao ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản nhằm tăng cường sức đề kháng, tăng năng suất, phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, chương trình đã góp phần làm chủ nâng cao trình độ công nghệ những lĩnh vực năng lượng tái tạo có tiềm năng lớn; hình thành các nhóm nghiên cứu về điện tự động hóa, nhiên liệu sinh học, cơ khí động lực... có trình độ chuyên môn, nhiều công bố trong và ngoài nước…
Dựa trên những kết quả đạt được, trong giai đoạn tới, chương trình sẽ tập trung vào hai vấn đề. Thứ nhất, về năng lượng nguyên tử, nghiên cứu ứng dụng và phát triển các kỹ thuật trong quan trắc phóng xạ môi trường, đánh giá tác động môi trường phóng xạ, xử lý các sự cố và tai nạn bức xạ, hạt nhân; ứng dụng công nghệ bức xạ, đồng vị phóng xạ phục vụ các ngành, nông nghiệp, công nghiệp, môi trường, y tế… Thứ hai, về năng lượng truyền thống, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, chương trình sẽ nghiên cứu ứng dụng công nghệ sử dụng năng lượng gió, sinh khối, địa nhiệt, đại dương và nhiên liệu sinh học; xây dựng cơ sở dữ liệu các nguồn năng lượng phục vụ xây dựng trung tâm dữ liệu năng lượng quốc gia...
Chương trình KC.05/16-20 đã góp phần phát triển năng lượng tái tạo và công nghệ tiết kiệm năng lượng. Qua đó, giúp triển khai thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển sản xuất; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên, thân thiện môi trường. |