Chợ Tuy Hòa (Phú Yên) được xây dựng khang trang |
Đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân và yêu cầu phát triển của địa phương, UBND huyện Tuy An (Phú Yên) đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng chợ Yến mới cách chợ cũ 400m. Chợ Yến mới khang trang, sạch đẹp, đáp ứng yêu cầu kinh doanh của bà con, phát triển địa phương và xây dựng xã nông thôn mới.
Theo Sở Công Thương Phú Yên, hệ thống chợ đã bước đầu được nâng cấp, mở rộng. Trong số 141 chợ của toàn tỉnh, có 20 chợ được xây mới, 39 chợ đã nâng cấp, 69 chợ chuyển đổi mô hình quản lý nên công tác quản lý chợ từng bước đi vào nề nếp, ý thức chấp hành quy định kinh doanh của người dân được nâng lên. Tỉnh cũng phát triển được 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị (hạng II và III) và 20.000 quầy hàng bán lẻ hàng hóa.
Lãnh đạo Sở Công Thương Phú Yên cho hay, với mục tiêu phát triển thương mại bền vững theo hướng văn minh, hiện đại và phù hợp tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đa dạng loại hình tổ chức phân phối, hoạt động dịch vụ, phương thức kinh doanh... những năm qua, tỉnh rất quan tâm đến công tác xây dựng quy hoạch hạ tầng thương mại của tỉnh. UBND tỉnh Phú Yên cũng đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thương mại tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, Quy hoạch hệ thống chợ đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh như sau: Tổng số 141 chợ gồm 19 chợ giữ nguyên vị trí nhưng đầu tư có chiều sâu; nâng cấp mở rộng 87 chợ; di dời vị trí 16 chợ; phát triển mới 19 chợ; đưa ra khỏi quy hoạch 19 chợ. Về phân hạng, 2/141 chợ hạng I, 12/141 chợ hạng II, 127/141 chợ hạng III. Quy hoạch hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, đến năm 2025, toàn tỉnh có 13 siêu thị và 3 trung tâm thương mại. Tổng nhu cầu vốn đầu tư tăng thêm cho cả thời kỳ 2016 - 2030 khoảng 4.107,4 tỷ đồng; trong đó, giai đoạn 2016 - 2020: 1.528,8 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025: 1.312,6 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030: 1.266 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh sẽ vận dụng tối đa chính sách ưu đãi của nhà nước nhằm thu hút các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp FDI với sự tham gia của các công ty thương mại đa quốc gia, công ty nước ngoài để đẩy mạnh quá trình hình thành và phát triển kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm logistics, trung tâm hội chợ triển lãm... Kết hợp vốn nhà nước và vốn xã hội hóa, tranh thủ vốn đầu tư của trung ương thông qua hình thức hợp tác, liên doanh, liên kết giữa các tổ chức kinh tế; đa dạng hình thức sở hữu thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác để phát triển hạ tầng thương mại. Đồng thời, thực hiện đầu tư phát triển các dự án hạ tầng thương mại phù hợp theo hình thức đối tác công tư (PPP)…
Phát triển hạ tầng thương mại nông thôn bao gồm: Hệ thống chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm, tổng hợp… đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế của địa phương, quy mô mua bán cũng ngày càng được mở rộng. |