Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018, giá trị sản xuất trồng trọt ước đạt 482 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 2,52% so với năm trước. Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Văn Đức cho biết, năm 2018 là một năm được mùa, thắng lợi lớn của ngành trồng trọt. Thời tiết những tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho sản xuất trồng trọt; miền Bắc mùa đông 2017 - 2018 khô lạnh, thuận lợi cho nhãn, vải và một số cây ăn quả ra hoa, đậu quả, cho sản lượng cao. Miền Nam, mùa mưa đến sớm, nguồn nước tương đối đầy đủ cho sản xuất lúa và cây trồng ngắn ngày trong vụ đông xuân nên năng suất và sản lượng cây trồng tăng cao. Các cây công nghiệp và cây ăn quả sinh trưởng, phát triển thuận lợi, đặc biệt là cây điều, cà phê, chè, cao su, vải, nhãn, cam, xoài. Do vậy, về cơ bản, sản lượng các cây trồng năm 2018 đều tăng so với năm 2017.
Mô hình trồng xen canh cây bơ - cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao |
Đáng chú ý, một trong những thành tựu nổi bật của lĩnh vực trồng trọt trong năm 2018 là xuất khẩu gạo ước đạt 3,03 tỷ USD, tăng 16,1% về giá trị và tăng 4,5% về số lượng so với năm 2017. Giá gạo xuất khẩu tăng từ 452 USD/tấn năm 2017 lên 502 USD/tấn trong năm 2018, tỷ trọng gạo chất lượng cao xuất khẩu đã đạt tới khoảng 80%.
Mặt hàng rau, quả tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với mức giá trị xuất khẩu cao, ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 8,5% về giá trị so với năm 2017. Cây cao su dù giảm về diện tích nhưng tăng về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Các loại cây cà phê, điều, hồ tiêu đều tăng về mặt sản lượng.
Riêng trồng xen canh trong vườn cà phê bước đầu đã đem lại hiệu quả, cây trồng xen và cây cà phê có thời gian thu hoạch khác nhau, giúp bà con nông dân có thu hoạch rải đều trong năm và tăng thêm thu nhập. Theo kết quả điều tra một số mô hình trồng xen tiêu tại Đăk Lăk, hiệu quả kinh tế gấp 1,69 lần so với cà phê trồng thuần trên cùng đơn vị diện tích, mô hình trồng xen với cây ăn quả (bơ, sầu riêng) tại Lâm Đồng cho hiệu quả kinh tế cao, tổng doanh thu có thể đạt 192 triệu đồng/ha/năm.
Năm 2019, ngành trồng trọt đặt ra mục tiêu giá trị xuất khẩu nông sản 21 tỷ USD, tăng giá trị sản xuất trồng trọt khoảng 1,78%, nâng cao giá trị gia tăng trên diện tích canh tác, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Như Cường - quyền Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) - cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2019 là tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt; chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả. Tổ chức lại sản xuất của các hộ nông dân theo hướng quy mô lớn, tập trung và có sự liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa các tổ chức nông dân với doanh nghiệp, tạo thành các chuỗi ngành hàng. Tổng kết các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là mô hình tổ chức sản xuất mới, tổ chức khuyến cáo nhân rộng cho địa phương khác.
Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Năm 2019, lĩnh vực trồng trọt cần tập trung vào việc phát triển của từng cây có giá trị cao, trong đó, cụ thể đến từng vấn đề diện tích, kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh, thị trường…, nâng cao năng suất và hiệu quả cây trồng, phấn đấu đạt các mục tiêu đã đề ra. |