UBND thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) vừa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Phát triển thương hiệu thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “thành phố cà phê của thế giới”.
Đây là đề án quan trọng theo Nghị quyết số 103/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về việc Xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Các đại biểu góp ý kiến để xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành "Thành phố cà phê của thế giới" |
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã góp nhiều ý kiến để sớm hiện thực mục tiêu phát triển thành phố Buôn Ma Thuột trở thành “Thành phố cà phê của thế giới”. Trong đó, đáng lưu ý nhất, nhiều ý kiến cho rằng để thực hiện mục tiêu đó thì cà phê Buôn Ma Thuột phải thoát khỏi vị trí là thức uống đơn thuần, mà phải trở thành một biểu tượng, một thương hiệu có tính đặc trưng. Vừa là thức uống – Cà phê Vật lý; vừa có tính sáng tạo nghệ thuật, văn hoá tinh thần – Cà phê Tinh thần; và vừa gắn với an sinh xã hội – phát triển kinh tế - Cà phê Xã hội.
Theo PGS.TS Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường, để Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố Cà phê của thế giới, phải tạo ra nhiều sản phẩm liên quan tới cà phê để cà phê trở thành văn hóa, nghệ thuật… chứ không phải là một loại thức uống. Trên nền tảng văn hóa, nghệ thuật… cà phê chạm vào những rung cảm của con người, giúp xóa bỏ đi ranh giới dân tộc, quốc gia, vùng miền… Cần những doanh nghiệp, tập đoàn là “cánh chim đầu đàn” để thực hiện những công việc này và tạo sức lan toả, ví dụ như Trung Nguyên Legend.
Đại diện của Trung Nguyên Legend đưa ra ba góc độ toàn diện của Cà Phê Vật Lý (là toàn bộ chuỗi giá trị vật lý của ngành cà phê từ nghiên cứu, trồng trọt, chế biến, thưởng lãm; từ cà phê thô tới cà phê tinh; từ cà phê đóng gói cho đến không gian thưởng lãm cà phê hay thưởng thức tiêu dùng cà phê tại nhà,…), Cà Phê Tinh Thần (toàn bộ các yếu tố mỹ thật và nghệ thuật để thể hiện và đi kèm với cà phê; các giá trị văn hoá – tinh thần tạo nên cà phê và từ cà phê mà có) và Cà Phê Xã Hội (là sự kết nối và sáng tạo của những người dùng cà phê và tác động tích cực hay tiêu cực của họ đến với sự phát triển chung của xã hội).
“Người dân tại Buôn Ma Thuột, các cộng đồng dân tộc nơi đây cần có sự am hiểu về cà phê như một phần đời sống của họ. Hàng quán cà phê tại Thành phố cũng cần đa dạng hơn để du khách tới đây đều có thể tiếp cận dễ dàng văn hóa cà phê, văn hóa đại ngàn nơi đây”, ý kiến của một đại biểu tại hội thảo.
Một vấn đề cũng được thảo luận nhiều tại hội thảo đó là vấn đề hoàn thiện kết nối hạ tầng giữa thành phố Buôn Ma Thuột với các tỉnh thành, vùng miền. PGS.TS Trần Đình Thiên – Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột cần hoàn thiện nhanh tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Khánh Hoà để du khách chỉ cần mất 1-2 tiếng đồng hồ có thể lên đây uống cà phê; sân bay Buôn Ma Thuột cần là sân bay Quốc tế và có định hướng cụ thể để kết nối với các thành phố mang tính định danh toàn cầu.
Ngoài ra, tại hội thảo, các đại biểu cũng khuyến nghị Buôn Ma Thuột tham khảo, học hỏi kinh nghiệm, các làm điển hình của những thành phố khác trên thế giới ví dụ như Bordeaux (trung tâm rượu vang toàn cầu); Grasse (kinh đô nước hoa của thế giới)… khi những nơi này xây dựng được một mạng lưới dịch vụ chuyên về rượu vang hay nước hoa, từ những chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn thông tin… giúp du khách có thể tìm hiểu, trải nghiệm được toàn bộ quy trình từ vùng trồng nguyên liệu, sản xuất, tới các sản phẩm ứng dụng. Từ đó góp phần xây dựng thành công Buôn Ma Thuột trở thành Thành phố Cà phê của thế giới.
Các đại biểu trải nghiệm show 3 văn minh cà phê – một sản phẩm du lịch độc đáo của thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) |
Đề án xây dựng Buôn Ma Thuột trở thành thủ phủ cà phê toàn cầu được khởi xướng từ năm 2006 bởi tập đoàn Trung Nguyên Legend. Đơn vị này cũng đã xây dựng nhiều công trình, thiết chế văn hoá liên quan đến cà phê để cùng Buôn Ma Thuột theo đuổi mục tiêu này. Có thể nhắc đến như khu đô thị Thành phố Cà phê; Bảo tàng Thế giới Cà phê; Làng cà phê;… cùng với nhiều sản phẩm sáng tạo nhằm nâng tầm cà phê trở thành văn hóa, nghệ thuật như: Show 3 văn minh cà phê: Thiền – Roman – Ottoman, kết hợp giữa công nghệ 3D mapping và nghệ thuật trình diễn; Show nghệ thuật 3 văn minh cà phê; chương trình trải nghiệm Thiền cà phê… duy nhất có tại Buôn Ma Thuột.