Phát triển bền vững thúc đẩy “xanh hóa” ngành công nghiệp thời trang và giày dép
Trong lĩnh vực sản xuất giày dép, lớp TPU mới thay thế cho EVA trong sản xuất phụ kiện giày dép đang được nhiều thương hiệu giày lớn trên thế giới sử dụng. Và thương hiệu giày Timberland là một ví dụ điển hình khi hợp tác cùng tập đoàn hóa chất BASF để nghiên cứu, cho ra đời chất liệu Freeflex™ TPU.
Bà Minli Zhao - Phó Chủ tịch ngành tiêu dùng, mảng vật liệu chuyên dụng của Tập đoàn BASF, khu vực châu Á - Thái Bình Dương - chia sẻ, trước sự biến đổi của khí hậu đe dọa đến môi trường sống, nhiều thương hiệu cam kết giải quyết các vấn đề liên quan đến hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời đưa tính bền vững vào mục đích kinh doanh, quy trình và thông điệp xuyên suốt trong các hoạt động của doanh nghiệp.
“Là một nhà cung cấp vật liệu cho ngành công nghiệp giày dép, BASF đang nghiên cứu các giải pháp vật liệu bền vững để chia sẻ mục tiêu giảm thiểu CO2 với những nhà sản xuất phụ tùng gốc (Original equipment manufacturer - OEMs). Bên cạnh đó, chúng tôi đã nghiên cứu chất liệu Freeflex™ TPU giúp vải có thể co dãn tốt mà vẫn giữ tốt trạng thái qua thời gian. Khi giày được làm hoàn toàn từ một chất liệu TPU, nhà sản xuất có thể tận dụng Freeflex để tạo nên sản phẩm giày có thể tái chế 100%. Quy trình sản xuất cũng giúp tiết kiệm năng lượng và không sử dụng chất dung môi. Hay với Infinergy® - có thể tái chế và tái sử dụng 100%, cho khả năng hoàn trả năng lượng vượt trội trong khi mang đến giải pháp thay thế nhẹ nhàng và có độ bền cao. Infinergy® mang sự thoải mái và linh hoạt lên một cấp độ mới trong nhiều ứng dụng khác nhau - từ giày dép, sàn nhà đến các vật dụng thể thao”- bà Minli Zhao cho biết.
Bộ sưu tập vải sợi sen được NTK Nguyễn Hùng Bảo thiết kết và ra mắt gần đây thu hút sự chú ý của giới mộ điệu thời trang Việt |
Cùng với sản xuất giày dép, chuyển đổi xanh trong ngành dệt may đang trở thành hướng đi tất yếu của các doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung ứng ngành dệt may tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Các thương hiệu thời trang ngày càng đa dạng lựa chọn, sử dụng các chất liệu xanh được sản xuất an toàn với môi trường. Theo đó công nghệ sợi phát triển mang đến các tính năng tốt hơn cho sức khỏe, tiện sử dụng hơn và các nhà cung cấp nguyên liệu cho dệt may cũng dịch chuyển nhanh chóng theo xu hướng này. “Hiện nay doanh nghiệp, nhà sản xuất thời trang Việt không có lựa chọn nào khác mà đang phải tự đổi mới, sáng tạo để bắt kịp trào lưu này”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) - nhận xét.
Một sản phẩm được thiết kế từ chất liệu vải sợi cà phê của NTK Võ Công Khanh |
Theo đó, rất nhiều loại sợi vải từ cà phê, từ sen, hàu, bạc hà… đã và đang được các doanh nghiệp nghiên cứu cho ra đời, ứng dụng trực tiếp vào sản xuất để mang tới sản phẩm thời trang ấn tượng, gần gũi thiên nhiên. Mới đây nhà thiết kế (NTK) trẻ Võ Công Khanh đã kết hợp cùng Công ty CP Kết nối thời trang - Faslink ra mắt bộ sưu tập sợi vải cà phê. Đây là công trình nghiên cứu được tạo thành từ bã cà phê và các chai nhựa PET phế thải. Công trình nghiên cứu vải sơi cà phê không những giúp giảm thiểu chất thải, bảo vệ môi trường mà lại còn đem đến một sản phẩm thời trang có tính năng khử mùi, khô thoáng hiệu quả.
Sợi bạc hà (bên trái) và sợi than dừa (bên phải) đã trở thành nguyên liệu tạo ra sản phẩm thời trang ấn tượng |
Hay với sen - ước tính hằng năm, hàng trăm nghìn thân sen và lá sen bị thải vào môi trường sau mỗi vụ thu hoạch. Nhằm tận dụng nguồn nguyên liệu này, nhiều nhà cung ứng nguyên liệu đã sử dụng sợi tơ trong thân sen và sợi cellulose từ lá để dệt vải và đem đến dòng vải sợi sen. Vải sợi sen cũng là dòng vải đầu tiên mang tính năng đặc biệt bổ sung collagen và thúc đẩy i-on âm trên da.
Việc các nhà sản xuất, cung ứng nguyên liệu tìm tòi và cho ra đời những vật liệu, công nghệ mới được nhận định sẽ trở thành “cú huých” góp phần thúc đẩy “xanh hóa” ngành công nghiệp thời trang và giày dép nhanh hơn, từ đó bảo vệ môi trường sống tốt hơn.