Từng bước xã hội hóa cơ sở vật chất phục vụ đào tạo |
Nâng cao chất lượng đào tạo
Theo bà Phạm Ngô Thùy Ninh- Vụ Phát triển nguồn nhân lực (Bộ Công Thương) - sau một năm thí điểm cơ chế tự chủ tại 4 trường gồm: ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, ĐH Điện lực và ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho thấy, 100% các trường đã tự kiểm định chất lượng đào tạo theo các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh việc đánh giá theo tiêu chuẩn quốc gia, năm 2016, Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh triển khai tự đánh giá chương trình đào tạo bậc đại học của 6 ngành theo Bộ tiêu chuẩn ABET và 9 ngành theo tiêu chuẩn AUN; ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cũng xây dựng chương trình đào tạo để chuẩn bị đánh giá theo tiêu chuẩn AUN. Dự kiến, thời gian kiểm định quốc tế của hai trường trên hoàn tất vào năm 2020 - 2021.
Ông Nguyễn Thiên Tuế - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh - cho biết: Năm 2015, nhà trường bắt đầu thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị quyết 77 với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời coi đây là sứ mệnh, nền móng cho sự phát triển bền vững. Kết quả, trường đã mở thêm nhiều ngành đào tạo trình độ cao, đáp ứng nhu cầu của người học và doanh nghiệp. Riêng về tuyển sinh theo mức học phí của đề án tự chủ rất tốt, đạt 104,75% chỉ tiêu.
Chất lượng đào tạo luôn là thước đo của nhu cầu thực tiễn |
Cùng với ĐH Công nghiệp TP.Hồ Chí Minh, các trường ĐH: Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, Điện lực và Công nghiệp Dệt may Hà Nội cũng bắt tay thực hiện đổi mới cơ chế trong hoạt động quản lý đào tạo. Đồng thời, thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm: Xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động trường theo mức độ tự chủ mới, nâng cao chất lượng giáo dục đại học qua kiểm định, đánh giá chất lượng, quản lý thu chi hiệu quả tạo tiền đề xây dựng năng lực tài chính vững mạnh.
Vụ Phát triển nguồn nhân lực (Bộ Công Thương) kiến nghị: Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét tập trung xây dựng và ban hành các văn bản, quy định hướng dẫn cụ thể, thống nhất về nội dung tự chủ, các quyền tự chủ trường được thực hiện… |
Cần chính sách hỗ trợ thực hiện quyền tự chủ
Sau một năm triển khai, dù có những thuận lợi, nhưng trên thực tế, Nghị quyết 77 và Nghị định 16 hiện chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết, thống nhất trong việc giao quyền tự chủ. Theo bà Nguyễn Thị Lâm Giang- Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển nguồn nhân lực, tại thời điểm này, các trường rất lúng túng khi các quy định hiện hành đang giới hạn quyền tự chủ và chính các cơ quan quản lý cũng vướng mắc khi kiểm tra, giám sát. Mặt khác, hệ thống văn bản quản lý, quy chế hoạt động trường sửa đổi nhiều, phương thức quản lý giáo dục tiên tiến chưa được áp dụng để các trường học hỏi, rút kinh nghiệm…
Đại diện các trường đã đưa ra nhiều đề xuất, trong đó kiến nghị chính phủ và các bộ chức năng cần nghiên cứu, sửa đổi chính sách không giới hạn quá chặt về quy mô tuyển sinh mà để cung cầu tự điều tiết. Kéo dài thời gian thí điểm lên 5 năm để có thể đánh giá đầy đủ, toàn diện về việc đổi mới cơ chế hoạt động. Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường năng lực tài chính và nâng cao trách nhiệm giải trình, hoàn thiện khung pháp lý và áp dụng phương thức quản lý tiên tiến, đầu tư cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng chuyển giao công nghệ.
Nhằm khắc phục những vướng mắc và để đảm bảo các trường hoàn thành nhiệm vụ năm học tới, Vụ Phát triển nguồn nhân lực cũng đề xuất Bộ Công Thương cần đẩy nhanh việc giao vốn, giao tài sản cho các trường, tiến tới áp dụng hoạch toán theo mô hình doanh nghiệp và kêu gọi đầu tư từng bước xã hội hóa cơ sở vật chất phục vụ đào tạo để phát triển trường.