Sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Hội thảo Quốc tế “Phát huy vai trò, giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong xây dựng Đô thị Di sản thiên niên kỷ và kết nối các thành phố di sản thế giới”- là một sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh các giá trị của Quần thể danh thắng Tràng An, ghi nhận, đánh giá công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế trong việc phát huy vai trò, giá trị của di sản trong việc hiện thực hóa định hướng chiến lược của tỉnh là xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, một trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của vùng, quốc gia và mang tầm quốc tế.
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu tại Phiên tổng thể, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Thanh Bình cho biết, hiếm có dự sản nào hội tụ đủ các giá trị độc đáo về địa tự nhiên sinh thái, văn hóa, lịch sử như Tràng An. Bên cạnh giá trị độc đáo về địa chất, địa mạo, vẻ đẹp tự nhiên của cảnh quan đất Ninh Bình, cố đô Hoa Lư còn là kinh đô lừng lẫy của nhà nước Đại Cồ Việt gắn với công cuộc dựng nước của vua Đinh Tiên Hoàng.
Danh hiệu Di sản thế giới đã mang lại cho Ninh Bình nhiều kết quả tích cực, qua đó giúp Ninh Bình nâng cao danh tiếng, góp phần phát triển ngành du lịch, theo báo cáo của Ban Quản lý Quần thể Danh thắng Tràng An, tổng doanh thu từ di sản thế giới này là 5.500 tỷ đồng - đây là minh chứng hết sức cụ thể.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên đã được quan tâm. Việc công nhận di sản đã giúp tăng cường cam kết của Chính phủ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình trong bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá này.
Đồng thời, việc quản lý di sản thế giới đòi hỏi xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, điều này đã được tỉnh Ninh Bình quan tâm và thực hiện thông qua các biện pháp bảo vệ môi trường, quản lý du lịch và phát triển kinh tế một cách bền vững.
Ngoài ra, việc công nhận di sản thế giới đã thúc đẩy việc nghiên cứu, giữ gìn và phục hồi các di sản văn hóa này, đồng thời tăng cường nhận thức về giá trị lịch sử và văn hóa địa phương.
Thứ trưởng Phạm Thanh Bình phát biểu tại Hội thảo |
Theo Thứ trưởng Phạm Thanh Bình, để phát huy toàn vẹn giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử của di sản, phục vụ phát triển bền vững, xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ như Ninh Bình đang hướng tới, theo đó chúng ta cần tăng cường gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới theo quy chuẩn của UNSECO; tăng cường giáo dục và nhận thức cộng đồng, nâng cao nhận thức giá trị của Di sản thế giới Tràng An đối với cộng đồng và du khách.
Đồng thời, khai thác và phát huy hơn nữa giá trị văn hóa phi vật thể của Di sản thế giới này và tăng cường giáo dục di sản, trao quyền cho các thế hệ mai sau; Tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và các đối tác địa phương, tranh thủ sự đóng góp, tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học để chia sẻ kinh nghiệm quản lý di sản và học hỏi từ các thành công của các điểm đến khác.
“Phát huy giá trị di sản trong thời đại số, ứng dụng công nghệ trong thúc đẩy truyền thông, quảng bá Tràng An qua các nền tảng mạng xã hội và trong bảo tồn bền vững di sản” - Thứ trưởng Phạm Thanh Bình nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho hay: Sau 10 năm được UNESCO ghi danh là di sản Văn hóa - Thiên nhiên thế giới, khu danh thắng Tràng An đã trở thành một minh chứng rõ nét cho một xu hướng tất yếu: Đó là, kết nối du lịch di sản liên tỉnh, liên vùng, xa hơn nữa là liên quốc gia, nhằm tạo dựng giá trị và thương hiệu độc đáo của khu di sản.
Điều đặc biệt là, Tràng An đã tạo dựng thêm những giá trị mới để kết nối tính bản địa và tính hiện đại, của đô thị quá khứ với đô thị tương lai trên nền tảng bảo tồn hiệu quả, hài hoà, bền vững các giá trị di sản. 10 năm danh xưng Di sản Thiên nhiên - Văn hóa thế giới, người dân nơi đây được thụ hưởng những lợi ích, cùng với nỗ lực tiếp tục nghiên cứu, phát hiện, đánh giá làm hoàn thiện hơn các giá trị toàn vẹn của di sản.
Ông Phạm Quang Ngọc-Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại hội thảo |
'Tràng An - Ninh Bình, trở thành sự lựa chọn, một điểm đến, một nơi chốn thân quen đáp ứng nhiều đối tượng du khách, cũng như đã bắt kịp với những nhu cầu phát triển chung của tình hình xã hội, kinh tế thị trường và đặc biệt hơn cả luôn gắn liền với chủ trương phát triển tổng hòa các yếu tố văn hóa của Đảng và Chính phủ, cùng định hướng phát triển của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Đây thực sự lại là thách thức cho công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị, thể hiện trách nhiệm của người dân và chính quyền đối với di sản quý báu của ông cha’ - ông Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh.
Hội thảo là dịp để tỉnh Ninh Bình cùng cơ quan quản lý văn hóa, du lịch và các chuyên gia, nhà khoa học bàn thảo nhằm đề xuất giải pháp, những kiến nghị trọng tâm phục vụ trực tiếp cho các hoạt động quy hoạch bảo tồn đối với khu di sản hỗn hợp Danh thắng Tràng An. Bên cạnh việc giải quyết các nội dung quy hoạch bảo tồn trước và sau khi khu di sản được công nhận, cũng cần xác định những thay đổi về kinh tế - xã hội trong thời gian tới là nhiệm vụ quan trọng.
‘Quy hoạch bảo tồn này cần đảm bảo tính đồng bộ trong việc xác định các khu vực quản lý, bảo vệ các giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của khu di sản theo quy định UNESCO; quản lý hoạt động xây dựng, hoạt động du lịch cùng với Kế hoạch Quản lý làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện quản lý, bảo tồn, tôn tạo, sử dụng bền vững và phát huy giá trị khu di sản’ - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình khẳng định.
Hội thảo gồm các phiên: Buổi sáng Phiên tổng thể với chủ đề: Kết nối đô thị di sản Tràng An với các thành phố di sản UNESCO; Buổi chiều gồm 2 phiên hội thảo diễn ra song song, Chủ đề 1: Một thập kỷ di sản thế giới Tràng An - Hành trình kiến tạo và bảo tồn phát huy giá trị; Chủ đề 2: Quy hoạch bảo tồn và phát huy toàn diện giá trị di sản thế giới Tràng An hướng tới đô thị di sản thiên niên kỷ.