Xếp thứ 16/141 đối tác đầu tư của Việt Nam
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, với 3,62 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, hiện Pháp chiếm 14% tổng vốn FDI của EU đang đầu tư vào nước ta. Tuy nhiên, lại đứng thứ 16/141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang có dự án đầu tư tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại.
Riêng trong 8 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp Pháp đã đầu tư 20 dự án FDI mới tại Việt Nam, điều chỉnh mở rộng 9 dự án và thực hiện 83 lượt góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của các dự án đầu tư tại Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư 8 tháng đạt 23,7 triệu USD, kết quả này được đánh giá khá “khiêm tốn” so với con số 19,12 tỷ USD vốn FDI mà Việt Nam thu hút được từ đầu năm đến nay.
Đã có 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư tại Việt Nam |
Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành được nhiều doanh nghiệp Pháp quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam, hiện Pháp đã đầu tư 135 dự án vào lĩnh vực này với tổng vốn đăng ký 1,1 tỷ USD, chiếm gần 31% tổng vốn FDI của quốc gia này vào Việt Nam. Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất, phân phối điện cũng thu hút 11 dự án, có tổng vốn đăng ký 1,07 tỷ USD, chiếm 29,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản…
Hiện các doanh nghiệp Pháp đã có dự án đầu tư tại 35 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Trong đó, với quy mô các dự án lớn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu cả nước với 10 dự án FDI từ Pháp, có tổng vốn đầu tư là 1,62 tỷ USD, chỉ chiếm 1,6% số dự án, nhưng chiếm 44,8% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là Hà Nội với 120 dự án, tổng vốn đầu tư 371,6 triệu USD, chiếm 10,3% tổng vốn đầu tư. Tiếp đến lần lượt là Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai.
Một số dự án tiêu biểu của Pháp tại Việt Nam tính đến thời điểm này là: Dự án Công ty Cổ phần Cảng Cái Mép Germadept, Terminal Link được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào năm 2008, tổng vốn đầu tư 520 triệu USD tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đây là dự án của liên doanh giữa nhà đầu tư Việt Nam và Pháp; Dự án Nhà máy Điện BOT Phú Mỹ 2.2, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào năm 2001, có tổng vốn đầu tư 480 triệu USD tại Bà Rịa – Vũng Tàu; Dự án nhà máy xi măng Hòn Chông, được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2018, tổng vốn đầu tư 348 triệu USD với mục tiêu sản xuất xi măng, bê tông trộn sẵn tại tỉnh Kiên Giang.
Hỗ trợ các dự án đã, đang và sẽ đầu tư
Theo nhận định của giới chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều cơ hội thu hút FDI từ các quốc gia EU, trong đó có Pháp, nhất là khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) được ký kết, trong đó EVFTA đã có hiệu lực từ tháng 8/2020. Bởi trong khu vực, ngoài Singapore thì chỉ duy nhất Việt Nam có Hiệp định thương mại tự do với EU, trong khi đó, Singapore chỉ tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực dịch vụ, nên Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để thu hút FDI từ EU, nhất là vào lĩnh vực sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài – cho rằng: EVIPA sẽ là chỗ dựa pháp lý quốc tế rất lớn để nhà đầu tư châu Âu, trong đó có Pháp yên tâm hơn khi đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Tuy vậy, để hiện thực hóa cơ hội này, Chính phủ Việt Nam cần chú trọng hơn đến vấn đề minh bạch, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời quan tâm hơn nữa vào vấn đề sở hữu trí tuệ, nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài ra theo ông Nguyễn Văn Toàn, các doanh nghiệp châu Âu rất quan tâm đến sự ổn định về chính sách khi quyết định đầu tư, nên họ sẽ không bỏ vốn đầu tư vào những dự án lớn, dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn vào những nơi mà họ không có sự yên tâm về sự ổn định pháp lý, đây cũng là vấn đề Việt Nam cần cải thiện trong thời gian tới.
Dưới góc độ quản lý, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, để thu hút FDI từ Pháp, tới đây phía Việt Nam sẽ nỗ lực hỗ trợ các dự án đầu tư của Pháp đã được cấp giấy phép đầu tư hoặc đang đàm phán, chuẩn bị đầu tư bằng cách giải quyết sớm các vướng mắc trong hoạt động của các dự án đầu tư đã được cấp giấy phép. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh và phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài thời gian tới của Việt Nam, như: Công nghệ cao (AI, 3D), dược phẩm; công nghiệp truyền thống như sản xuất xe hơi, chế tạo lốp xe, bảo dưỡng máy bay dân dụng; khí phụ trợ; năng lượng tái tạo; xây dựng hạ tầng, giao thông công cộng, sân bay, cảng biển...
Tính đến tháng 8/2021, Việt Nam đã có 17 dự án đầu tư tại Cộng hòa Pháp thuộc các ngành: Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, mô tô, xe máy; dịch vụ lưu trú và ăn uống; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; thông tin và truyền thông. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam sang Pháp đạt gần 38 triệu USD, xếp thứ 26/78 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận vốn đầu tư từ Việt Nam. |