Cần khắc phục các biểu hiện tiêu cực, hạn chế của lễ hội một cách triệt để. Ảnh minh họa |
Theo báo cáo từ Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), đầu năm 2017, công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn cả nước đã có sự chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp. Các hoạt động lễ hội diễn ra trang trọng, an toàn, tiết kiệm, cùng nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và các trò chơi dân gian sôi nổi thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Nhận định chung của cơ quan quản lý Nhà nước, các lễ hội có tập tục mang yếu tố bạo lực, không phù hợp với xu thế thời đại đã chuyển đổi hình thức thực hành nghi lễ; 100% lễ hội thành lập Ban tổ chức, công tác tuyên truyền được quan tâm; Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu di tích và lễ hội được đảm bảo. Công tác bảo vệ môi trường tại các di tích được chú trọng, thu gom, vận chuyển hoặc xử lý rác thải kịp thời, không còn trường hợp đổi tiền lẻ công khai; không xảy ra trường hợp tai nạn, cháy nổ; tình trạng nâng giá, ép giá, tệ nạn cờ bạc, hoạt động mê tín dị đoan, mất vệ sinh, ăn xin... đã giảm nhiều so với mùa lễ hội trước.
Tuy nhiên, từ thực tế tại các lễ hội 2017, Cục Văn hóa cơ sở nêu rõ, hiện còn một số hạn chế như: biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội như: Hội thi chọi trâu không phép ở huyện Yên Sơn, Tuyên Quang và Hội chọi trâu huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái; việc tổ chức “khai ấn”, “phát ấn” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, đền thờ Quang Trung Nghệ An.
Đặc biệt vẫn còn xảy ra những hình ảnh phản cảm, chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại Hội Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc, ngả nón xin tiền tại Hội Lim, tỉnh Bắc Ninh...
Toàn cảnh hội nghị |
Đại diện ngành văn hóa Hà Nội, ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội có hơn 1.200 lễ hội, cho đến thời điểm này, đã có hơn 2/3 lễ hội tổ chức xong. Có thể khẳng định, năm nay, công tác quản lý tổ chức có tiến bộ hơn năm 2016. Tồn tại, hạn chế vẫn còn, đó là những tồn tại mang tính truyền thống, phải giải quyết từ từ, có nguyên nhân khách quan, chủ quan, các cấp các ngành phải cùng vào cuộc. Năm nào lễ hội cũng tổ chức, năm nào cũng chấn chỉnh, năm nào cũng thanh tra kiểm tra, nhưng nó vẫn có những tồn tại. Vì vậy, phải tìm hiểu và giải quyết gốc rễ vấn đề.
Đại diện cho tỉnh Quảng Ninh, ông Hồ Chí Đức - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch Quảng Ninh - cho rằng, mùa lễ hội 2017 đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Những hiện tượng, mặt kém năm nay giảm đi nhiều, như: An toàn hơn, tiết kiệm hơn, công tác truyền thông rất tốt, các ngày chính hội như Yên Tử, Cửa Ông mỗi ngày 50-60 ngàn lượt du khách nhưng không ùn tắc. Ý thức người dân, trách nhiệm của các cơ quan chính quyền cũng tốt hơn.
Trước các diễn biến của mùa lễ hội 2017, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Ngọc Thiện đề nghị, các địa phương phải nghiêm túc chấp hành Chỉ thị của Ban Bí thư, Bộ Chính trị, Chính phủ, các công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quản lý, tổ chức lễ hội. Nhiều địa phương như Phú Thọ, Yên Bái, Bắc Ninh trong việc điều chỉnh các lễ hội chưa phù hợp. Theo ông Nguyễn Ngọc Thiện, cần đặt ra hai nhiệm vụ thời gian tới, trước mắt là khắc phục hạn chế và lâu dài là phương cách khắc phục hạn chế một cách triệt để.
Theo đó, lãnh đạo ngành văn hóa yêu cầu, những tồn tại, hạn chế của mùa lễ hội 2017 phải được kiểm điểm. Những tồn tại nào sửa chữa được ngay phải khắc phục ngay. Nếu lỗi của ngành văn hóa thì ngành phải kiểm điểm, nếu lỗi của Ban tổ chức thì chính quyền địa phương phải kiểm điểm. Địa phương nào có lễ hội không được cấp phép mà vẫn tổ chức phải kỷ luật.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, điều gì phản cảm của năm ngoái năm nay phải khắc phục, còn khắc phục triệt để cần thời gian. Cần vận động, thuyết phục, tuyên truyền để nhân dân thay đổi trong nhận thức. Không quản lý lễ hội bằng mệnh lênh hành chính. Công tác thanh tra, kiểm tra cũng cần phân định rõ trách nhiệm của nhà nước, trung ương, địa phương đối với việc quản lý các lễ hội. Đề ra trách nhiệm cụ thể của các Bộ ngành để kiểm điểm, khen thưởng.