Nhiều hoạt động kỷ niệm 20 năm Phong Nha - Kẻ Bàng được nhận di sản Các tuyến, điểm du lịch “hút” khách mùa du lịch |
“Kể từ khi Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (5/7/2003), Bố Trạch (Quảng Bình) được coi là điểm đến của nhiều du khách trong nước, quốc tế, là vùng đất của “Vương quốc Hang động”. Từ đó, đời sống người dân được nâng lên, bộ mặt quê hương ngày càng “thay da đổi thịt”, đó là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch với Phóng viên Báo Công Thương...
Xin ông cho biết, đời sống bà con 20 năm qua, từ khi công nhận Di sản thế giới như thế nào?
Đây chính là điều kiện cần để phát triển du lịch, là đòn bẩy để phát triển nền kinh tế huyện nhà, với những khu du lịch hấp dẫn, nhiều loại hình du lịch phong phú như: tham quan thắng cảnh tự nhiên, Động Phong Nha, động Tiên Sơn, động Thiên Đường, Hang Én; Sơn Đoòng, du lịch sinh thái gắn với hoạt động bảo tồn; các di tích lịch sử là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ…; là nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc, các lễ hội truyền thống, các lễ hội của các bản làng dân tộc như: Lễ hội đập trống của đồng bào Macoong, Lễ hội cầu ngư,… Du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội của toàn huyện Bố Trạch.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn- Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch |
Sau 20 năm được công nhận di sản, từ một huyện chỉ chuyên về sản xuất nông nghiệp, sau những định hướng đúng đắn, nay cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Hệ thống đường giao thông được đầu tư hoàn thiện bảo đảm kết nối lưu thông thuận tiện giữa các vùng miền, các điểm du lịch, môi trường cảnh quan được chỉnh trang hiện đại. Hạ tầng cơ sở được nâng cấp nhanh chóng, từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như phục vụ mục tiêu xây dựng Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành trái tim du lịch của toàn tỉnh.
Khách du lịch vui chơi tại các điểm trên địa bàn huyện Bố Trạch |
Phong Nha – Kẻ Bàng được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới đã làm thay đổi sâu sắc về ý thức, phong cách sinh hoạt, sản xuất gắn liền với bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản. Trước khi được công nhận di sản người dân chủ yếu là khai thác trái phép tài nguyên rừng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến di sản, thì kể từ khi được công nhận là Di sản, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền trong công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của nhân dân về công tác bảo vệ và phát huy các giá trị di sản, đặc biệt là du lịch.
Nhờ vậy, kinh tế huyện Bố Trạch tiếp tục phát triển khá toàn diện; đời sống, thu nhập của người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tăng từ 3,9 triệu đồng năm 2003 lên 55,2 triệu đồng năm 2022; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, đến nay chỉ còn 4,7% (theo chuẩn nghèo mới).
Theo ông, để tham gia góp phần bảo tồn di sản, địa phương và nhân dân cần phải làm gì?
Với mục tiêu là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là bước đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà, Đảng bộ và nhân dân huyện Bố Trạch chú trọng bảo vệ và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của huyện trong đó chú trọng đặc biệt đến công tác bảo tồn, phát triển các giá trị của di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng.
Để thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn, phát triển các giá trị di sản cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và nhân dân về sự nhận thức và vai trò đặc biệt của di sản trong đời sống hiện tại, để đưa nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị di sản không chỉ là nhiệm vụ mà trở thành nhu cầu, mục đích của người dân trong sinh hoạt, sản xuất.
Hai là, Phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, nâng cao hoạt động xã hội hóa trong công tác bảo tồn di sản, phát triển du lịch nhằm phát huy nội lực vốn có, huy động rộng rãi sự ủng hộ giúp đỡ của cộng đồng quốc tế và vai trò nổi bật của UNESCO.
Du khách tham quan khám phá hang động |
Ba là, kết hợp chặt chẽ giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của Nhà nước và cộng đồng các tầng lớp xã hội… để giải quyết hiệu quả bài toán bảo tồn và phát triển trong lòng di sản.
Bốn là, hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản có tâm huyết, có kiến thức, năng lực chuyên môn về hang động, bảo tồn đa dạng sinh học. Đào tạo, đào tạo lại nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ chuyên môn tại Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong nha – Kẻ Bàng.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, quảng bá các giá trị đặc sắc của vùng di sản.
Sáu là xây dựng quy hoạch phát triển du lịch Bố Trạch, quy hoạch phát triển đô thị Phong Nha phù hợp và đảm bảo quy tắc của công tác bảo tồn và phát triển Di sản.
Mục tiêu mỗi người dân là một "đại sứ di sản, du lịch" Bố Trạch từng bước tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân ra sao, thưa ông?
Chiến lược phát triển du lịch của huyện là thực hiện các giải pháp thu hút khách du lịch đến với Bố Trạch, đặc biệt, là khách quốc tế - đây là nguồn thu quan trọng, bền vững trong cơ cấu nguồn thu từ du lịch; tuy nhiên, những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, UBND huyện chỉ đạo thực hiện các giải pháp tập trung khai thác thị trường khách nội địa và đẩy mạnh khách du lịch nội tỉnh với chương trình “Người Quảng Bình đi du lịch Quảng Bình” và “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên/một đại sứ du lịch”.
Để thực hiện mục tiêu, UBND huyện đã hướng dẫn các cơ sở du lịch, người dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch. Chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng ứng xử, văn minh du lịch đối với các cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp… hoạt động trong lĩnh vực du lịch; tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao văn minh trong tiếp đón, phục vụ khách du lịch: mẫu tờ phơi, tin bài trên hệ thống truyền thanh cơ sở, …
Ngoài ra, trước các dịp Lễ, đặc biệt là thời điểm bước vào mùa du lịch hè, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương vào cuộc kiểm tra, tuần tra chấn chỉnh ngay các đối tượng có hành vi chèo kéo du khách, các đối tượng ăn xin, bán hàng rong; kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh du lịch, các nhà hàng, khách sạn làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bán đúng giá niêm yết; thực hiện niêm yết giá cả, treo các bản ký cam kết với Sở Du lịch, Chi cục Quản lý thị trường tại khu vực quầy lễ tân; chỉ đạo, tổ chức cho nhân dân làm tốt công tác vệ sinh môi trường…
Với vai trò là địa phương di sản, Bố Trạch có đề xuất gì để góp phần bảo tồn di sản, phát triển du lịch, ổn định đời sống bà con vùng di sản?
Di sản Phong Nha - Kẻ Bàng là một món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Quảng Bình nói chung và Bố Trạch nói riêng. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện xác định phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để vừa khai thác bền vững, vừa bảo tồn di sản, UBND huyện đề nghị UBND tỉnh có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể về việc sử dụng đất đai, mặt nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoàn thiện hồ sơ, đúng theo quy định của pháp luật nhằm khai thác kinh doanh có hiệu quả và tuân thủ pháp luật.
UBND huyện cũng đề nghị UBND tỉnh có Đề án đánh giá tác động của hoạt động du lịch lên các điều kiện tự nhiên sẵn có của di sản, từ đó định hướng khai thác một cách bền vững di sản Phong Nha - Kẻ Bàng. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông và hệ thống thoát lũ. Đồng thời, thu hút các dự án phi chính phủ, mở thêm các lớp hỗ trợ dạy ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp trong phục vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn cho người dân để bà con có thể có tư duy định hướng khai thác lợi thế phát triển du lịch, làm giàu trên chính quê hương mình.
Xin cảm ơn ông!