Theo ông Nguyễn Văn Bình, những năm qua Đảng và nhà nước đã có nhiều chủ trương chính sách về xóa đói giảm nghèo cho vùng Tây Bắc. Khẳng định điều này, ông Bình - nhấn mạnh: Cho đến nay, công tác xóa đói, giảm nghèo ở vùng Tây Bắc đã thu được những kết quả rất tích cực và đáng ghi nhận; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, giai đoạn 2011-2015 bình quân giảm gần 4%/năm, từ 34,41% vào thời điểm cuối năm 2010 xuống còn 18,26% vào cuối năm 2014 và ở mức khoảng 15% vào cuối năm 2015.
Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất trong cả nước. Đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 29,14%, cao gấp 2,95 lần tỷ lệ chung của cả nước. Chính vì vậy, việc làm rõ những nguyên nhân chủ quan và khách quan của những hạn chế, bất cập trong công tác giảm nghèo vùng Tây Bắc thời gian qua, nhất là giai đoạn 2011-2015, hết sức cần thiết để rút kinh nghiệm cho việc triển khai Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Tại hội thảo nhiều đại biểu cho rằng, còn rất nhiều vấn đề đặt ra đối với công tác xóa đói, giảm nghèo ở khu vực Tây Bắc. Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Do nguồn vốn có hạn, nên việc thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo còn chậm trễ. Thời gian tới ngân hàng nhà nước sẽ sắp xếp và lựa chọn ra những dự án có trọng lượng hơn, có tính quyết định đến khả năng xóa đói giảm nghèo. Trước đây có dự án thì mới lo vốn, bây giờ vốn sẽ xung phong đi trước để cho các dự án không bị động về vốn, ngân hàng sẽ đồng hành doanh nghiệp và cùng các cấp các ngành ở địa phương để hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân.
Ông Hà Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc - cũng phản ánh: Hiện nhiều địa phương vùng biên, đồng bào dân tộc bỏ sang nước khác lao động, nhiều bản làng tệ nạn ma túy, HIV/AIDS vẫn đang còn hiện hữu, hàng chục năm tuyên truyền nhưng đồng bào dân tộc vẫn chưa sản xuất theo hướng hàng hóa… Để công tác giảm nghèo đa chiều thời gian tới đạt kết quả cao, chúng ta cần phải nghiên cứu thật kỹ lưỡng văn hóa, tập quán sinh hoạt… để có cơ chế chính sách cho phù hợp với không chỉ đồng bào các tỉnh Tây Bắc mà còn với từng vùng trên cả nước. Đồng thời phải nâng cao dân trí cho vùng đồng bào dân tộc bởi có kiến thức thì mới vận dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất cũng như xây dựng được môi trường cơ bản, không gian sinh tồn phù hợp cho đồng bào dân tộc, đặc biệt là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng Tây Bắc.
Tổng Biên tập Tạp chí Công sản Vũ Văn Phúc khẳng định: Với mục đích tác động tốt hơn, toàn diện hơn đến người nghèo, việc chuyển đổi đánh giá nghèo từ đơn chiều sang đa chiều nhằm giúp đảm bảo mức sống tối thiểu, đồng thời đáp ứng các dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân, từng bước giảm nghèo bền vững. Thông tin về tình trạng nghèo đa chiều cũng giúp theo dõi tiến trình giảm nghèo và đánh giá tác động của các nhóm chính sách giảm nghèo và phát triển xã hội qua thời gian giữa các vùng, các nhóm dân cư để điều chỉnh cho phù hợp…
Nghèo đa chiều bền vững dựa trên nền tảng phải bảo đảm nhu cầu mức sống tối thiểu của người nghèo, không chỉ về thu nhập mà bao gồm cả đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ xã hội cơ bản. |