Kinh tế - xã hội vẫn giữ được xu thế tích cực
Báo cáo của Chính phủ tại phiên họp cho biết, bước vào năm 2019, nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đều có những dự báo và nhận định không mấy khả quan về triển vọng kinh tế toàn cầu, nhất là trong bối cảnh kinh tế, thương mại hàng hóa toàn cầu suy giảm, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, khó lường, song tình hình KT - XH nước ta trong 4 tháng đầu năm vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên khai mạc phiên họp thứ 34 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh Quochoi.vn) |
Theo đó, tốc độ tăng GDP quý I/2019 ước đạt 6,79%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Các chỉ số tài chính, tiền tệ, lãi suất nhìn chung ổn định. Thị trường ngoại hối diễn biến tích cực, cung cầu ngoại tệ trong nước thuận lợi, thanh khoản tốt, dự trữ ngoại hối tiếp tục được nâng lên. Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khá. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng cao.
Cùng đó, cán cân thương mại hàng hóa duy trì xuất siêu, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường trong nước tiếp tục ổn định, cung cầu hàng hóa được bảo đảm. Các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng giảm dần.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, nền kinh tế nước ta vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế cũng như tiếp tục đối mặt với những thách thức mới. Chi tiết hơn, báo cáo chỉ ra tốc độ tăng GDP quý I/2019 tuy tăng khá trong bối cảnh kinh tế thế giới không thuận và cao hơn tăng trưởng quý I các năm 2011- 2017, nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại.
Hơn nữa, những khó khăn, như: dịch tả lợn Châu Phi; tình hình hạn hán xuất hiện sớm ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của các quốc gia có cùng mặt hàng với ngành thủy sản hay tốc độ tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng tăng dù tăng trưởng 8,63% trong 4 tháng đầu năm, cao hơn so với cùng kỳ năm 2017 (4,48%) nhưng thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (9,92%)… là những thách thức rất lớn trong thời gian tới.
Trên cơ sở phân tích những kết quả và tồn tại, hạn chế, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục với mục tiêu phấn đấu hoạt thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội Quốc hội giao trong năm 2019, nhấn mạnh trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2019 là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống và kiểm soát tốt lạm phát.
Khắc phục hạn chế, tồn tại, phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2019
Tại phiên họp, thay mặt Cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, Cơ quan thẩm tra cơ bản đồng tình với nội dung và các nhóm giải pháp nêu trong báo cáo Chính phủ, trong đó nhấn mạnh 2 trọng tâm ưu tiên trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2019 là tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống và kiểm soát tốt lạm phát để tạo thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực. Thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại của nền kinh tế, trong đó tập trung hoàn chỉnh hồ sơ các dự án luật trình Quốc hội theo kế hoạch. Đồng thời, sớm ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện có hiệu quả các luật đã ban hành, nhất là Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật, pháp lệnh có liên quan đến quy hoạch, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công…
Chính phủ cần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn trong tất cả các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng, giao thông và giáo dục. Công khai, minh bạch quy trình, thủ tục hành chính và xử lý nghiêm các sai phạm để gỡ bỏ các chi phí không chính thức cho người dân và doanh nghiệp.
Cùng đó, cần có giải pháp hữu hiệu nhằm khuyến khích, tăng cường sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân trong đầu tư, xây dựng các dự án quan trọng quốc gia. Rà soát để đồng bộ hóa các giải pháp để thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, đặc biệt xây dựng thị trường khoa học công nghệ đi vào hoạt động ổn định để đảm bảo thương mại hóa kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học...