Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số |
Một nhà nước của dân, do dân thì suy cho cùng mọi việc làm của cơ quan nhà nước đều hướng tới nhân dân. Việc phân cấp, phân quyền cũng nhằm mục đích để cho công tác quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, quá trình triển khai vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Phải chăng vì vấn đề tư duy của một số cán bộ sợ mất quyền điều hành, trong đó có cả những lý do tế nhị phát sinh từ cơ chế “phân bổ”, “xin cho”.
Đơn cử trong vấn đề chính sách hỗ trợ phát triển cho đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước đã xây dựng hàng loạt các chương trình với số vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm để đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm, hỗ trợ vốn, giống cây trồng vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ tiền thắp sáng, tiền học...thế nhưng tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi cao gấp hơn 3 lần so với bình quân chung của cả nước, thậm chí có địa phương gần 1/2 dân số tỉnh là nghèo như: Điện Biên: 48%, Sơn La: 47,8%, Hà Giang: 43,6%, Cao Bằng: 42,3%, Lai Châu: 40%...
Và đâu đó, chúng ta vẫn thường nghe và thấy các công trình đường xá, thủy lợi đầu tư hàng tỷ đồng với hy vọng mong bà con thúc đẩy phát triển kinh tế, thoát nghèo, lại bị chậm tiến độ, đội vốn, xuống cấp hoặc bỏ hoang không phát huy được hiệu quả. cCuối cùng, “nghèo vẫn hoàn nghèo”.
Phải chăng, có nguyên nhân từ chính sách đầu tư dàn trải theo kiểu “bình quân chủ nghĩa”; chính sách chưa xuất phát từ thực tiễn, chưa đúng đối tượng; trong quản lý đầu tư phân cấp chưa rõ ràng, chưa phát huy dân chủ cơ sở. Địa phương thì bị động, không phát huy được ý thức trách nhiệm của cơ quan quản lý trực tiếp ở cơ sở cũng như người dân. Bản thân họ không được tham gia góp ý, hiến kế cho chính công trình của mình sử dụng, lâu dần dẫn đến tình trạng ỷ lại, trông chờ.
Chính vì vậy, khi đăng đàn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng- Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã kiến nghị, tham mưu, đề xuất cần phải phân cấp mạnh hơn cho địa phương (tỉnh, huyện) quản lý, có sự tham gia của cộng đồng. nhiều người đã rất mừng và dấy lên niềm hy vọng mới.
Bởi vì phân cấp càng cụ thể, minh bạch, sự phát triển sẽ càng lớn. Chính sự phân cấp, phân quyền sẽ loại bỏ được cơ chế “xin cho”, cậy nhờ từ dưới lên trên. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ phát huy dân chủ, huy động sức mạnh tập thể của cả cộng đồng gắn liền với trách nhiệm, quyền tự chủ, sức sáng tạo và vai trò giám sát ở địa phương một cách công khai, minh bạch.