Tuần "bão lãi suất"
Thị trường toàn cầu vừa trải qua tuần “bão lãi suất” khi các ngân hàng trên thế giới đồng loạt công bố chính sách tiền tệ trong ngắn hạn sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chính thức công bố giảm 0,25% lãi suất.
Việc mức cắt giảm không như kỳ vọng khiến động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng khá nhiều. Cụ thể, trong khi Ngân hàng Châu Âu và Ngân hàng Trung ương Anh không giảm lãi suất, thì Fed cũng chỉ công bố cắt giảm 1 lần duy nhất trong năm nay.
Trong khi đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không ngừng làm gia tăng căng thẳng đối với dòng vốn rủi ro thời điểm này. Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đe dọa áp thêm 10% thuế lên 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong bối cảnh bức tranh kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đã lộ rõ và thị trường rơi vào vùng trũng thông tin, sự kiện này góp thêm tác động tiêu cực cho các chỉ số trong tuần giao dịch này.
Sự thận trọng tăng cao
Thị trường vừa có một tuần giao dịch đầy biến động theo chiều hướng tiêu cực dần. Mức giảm tuy không lớn, nhưng sự vận động là rất khó chịu. Nhìn chung, các chỉ số vẫn giữ vững được các vùng hỗ trợ quan trọng. Ðộ lệch (basis) giữa phái sinh và cơ sở được nới rộng theo chiều âm suốt tuần qua, liên tục ở mức 4-5 điểm cho thấy tâm lý thận trọng tăng cao.
Bên bán vẫn chủ động hơn
Diễn biến tâm lý thị trường tiếp tục kém dần, sự cải thiện đã xuất hiện ở các phiên cuối tuần, nhưng chưa làm thay đổi bức tranh tổng thể vẫn đang kém tích cực. Ðường cung lớn hơn đường cầu thể hiện bên bán vẫn đang áp đặt ý chí rõ ràng hơn so với bên mua.
Ở một góc nhìn khác, trong bối cảnh cung liên tục chi phối cầu, nhưng chỉ số vẫn duy trì mốc hỗ trợ quan trọng, thì khả năng hồi phục trở lại của chỉ số là rất cao - đây là điểm cần được quan sát kỹ.
Quán tính giá giảm dần
Mức độ lan tỏa của dòng tiền vẫn diễn ra một cách cục bộ, sự lan tỏa ở nhóm vốn hóa lớn không cao, chỉ khoảng 51%. Ðường đà lan tỏa tiếp tục vận động bên dưới đường trung bình 10 phiên MA(10) và quán tính của đường MA(10) vẫn đang giảm, khiến đà tăng hiện tại của các chỉ số chung bị đặt nghi vấn.
Sự kỳ vọng đặt vào nhóm ngân hàng
Sự lan tỏa về giá trong nhóm VN30 tiếp tục giậm chân tại chỗ khi chỉ 48% cổ phiếu trong rổ duy trì được trạng thái tăng. Ðây là mức lan tỏa được xem là kém trong bối cảnh chỉ số cần động lực để níu kéo đà tăng đang suy yếu.
Dòng tiền vẫn vận động một cách cục bộ ở nhóm bất động sản (VIC, VHM), trong khi 2 nhóm còn lại là ngân hàng và thực phẩm - đồ uống gần như không có đóng góp đáng kể nào cho thị trường chung.
Phiên cuối tuần qua ghi nhận sự đột biến từ nhóm ngân hàng. Trong đó, những cổ phiếu đã giảm rất sâu trước đó nhưng có sức ảnh hưởng lớn đến chỉ số chung như TCB hay VPB đã bắt đầu hút được dòng tiền. Vì vậy, niềm tin cho khả năng tích cực trong tuần này được đặt vào nhóm ngân hàng. Do đó, sự vận động của nhóm này cần được quan tâm đặc biệt. Nếu dòng tiền đảo trụ sang nhóm ngân hàng thì đó được xem là "cú huých" hỗ trợ cho đà tăng của thị trường.
Canh Short trong các nhịp hồi
Thị trường chung vẫn chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn, bất chấp các điểm rơi thông tin quan trọng đã xuất hiện trong tuần qua.
Về mặt kỹ thuật, nhịp tăng vẫn được duy trì khi các vùng hỗ trợ vẫn được giữ vững, ngưỡng 870 điểm trên VN30F1908 và 875 điểm trên VN30. Tuy nhiên, khả năng bứt phá trong ngắn hạn không được đánh giá cao khi bên bán vẫn tỏ ra chủ động hơn so với bên mua và sự lan tỏa tiếp tục kém khả quan bởi dòng tiền vận động tương đối cục bộ.
Do đó, chiến lược bán (Short) trong các nhịp chỉ số quay trở lại kháng cự vẫn được ưu tiên. Cụ thể, kháng cự với hợp đồng VN30F1908 ở quanh vùng 888-890 điểm và vùng 890-892 điểm đối với chỉ số VN30.
Trong trường hợp xấu, nếu giá thủng hỗ trợ 870 điểm thì lệnh Short đuổi sẽ được kích hoạt. Ngược lại, chiến lược Long sẽ được ưu tiên nếu giá lùi về kiểm chứng vùng hỗ trợ 870-875 điểm trên chỉ số phái sinh..