Nhiều tiêu chí cho giai đoạn mới
Đầu năm 2021, 3 công trình được đề xuất xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 3/5 công trình được đề xuất xét tặng Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ (KH&CN) được Hội đồng cấp Bộ của Bộ Công Thương đề xuất xét tặng Giải thưởng đều là công trình thuộc lĩnh vực dầu khí.
Để có được sự ghi nhận này là cả một quá trình nỗ lực của mỗi cá nhân, tập thể và toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) trong quá trình “đi tìm lửa” cho đất nước. Ở đó, mỗi sáng kiến, mỗi ý tưởng đều được quan tâm, vun đắp và khích lệ để nghiên cứu, sáng tạo ra những giải pháp mới, công nghệ mới phục vụ cho công tác khai thác, thăm dò và chế biến dầu khí.
Hội nghị cập nhật danh mục Chương trình NCKH dài hạn giai đoạn 2021-2025 |
Có thể kể đến những công trình ghi danh “bảng vàng” trong NCKH của ngành dầu khí như: Nghiên cứu, phát triển công nghệ để khai thác các mỏ khí - condensate với điều kiện đặc biệt phức tạp thềm lục địa Việt Nam; nghiên cứu phát triển công nghệ thiết kế, thi công, lắp đặt các công trình dầu khí biển siêu trường, siêu trọng phù hợp với điều kiện Việt Nam; nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ trong thu gom, xử lý và sử dụng khí đồng hành ở các mỏ của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro và các mỏ lân cận (phần ngoài khơi); nghiên cứu thiết kế cơ sở, chi tiết, công nghệ chế tạo, tích hợp giàn khoan tự nâng 400ft phù hợp với điều kiện Việt Nam và nghiên cứu phát triển, hoán cải giàn khoan dầu khí di dộng phục vụ phát triển kinh tế biển, an ninh quốc phòng…
Công tác NCKH luôn được Petrovietnam quan tâm, chú trọng và có định hướng cụ thể trong hoạt động của từng năm, từng giai đoạn. Mới đây, tại Hà Nội, Tập đoàn đã tổ chức Hội nghị cập nhật danh mục Chương trình NCKH dài hạn giai đoạn 2021-2025. Tại hội nghị, đại diện Ban Công nghệ An toàn và Môi trường Tập đoàn đã trình bày báo cáo kết quả rà soát, cập nhật danh mục Chương trình NCKH dài hạn giai đoạn 2021-2025 về nguyên tắc xây dựng, tiêu chí nhận diện và các tiêu chí để đánh giá chương trình; về kết quả thực hiện xây dựng/cập nhật chương trình. Trong đó, tiêu chí nhận diện các đề xuất thực hiện Chương trình NCKH dài hạn nằm trong các vấn đề của nội dung “Khung chương trình” đã đưa ra và được phê duyệt; phải có thời hạn 1 năm trở lên; công nghệ nghiên cứu và ứng dụng phải là công nghệ mới; giải pháp kỹ thuật và công nghệ đề xuất triển khai áp dụng đều phải là những giải pháp tiên tiến, hiện đại…
Cụ thể, chỉ tiêu về trình độ khoa học phải có kết quả công bố trên các tạp chí KH&CN uy tín, tạp chí KH&CN quốc tế; chỉ tiêu về trình độ công nghệ: các công nghệ và thiết bị tạo ra có tính năng kỹ thuật, chất lượng với sản phẩm tiên tiến, có khả năng thương mại hóa, áp dụng trong thực tế; các đề tài, nhiệm vụ phải được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và được tham gia về đào tạo.
6 chương trình trọng tâm
Lãnh đạo Tập đoàn và đại diện các ban chuyên môn đã có ý kiến thảo luận, góp ý, bổ sung đối với chương trình về nguyên tắc xây dựng, tiêu chí nhận diện và các tiêu chí để đánh giá về cơ chế, nguồn lực để triển khai những nội dung của chương trình. Đồng thời, thống nhất về danh mục Chương trình NCKH dài hạn giai đoạn 2021-2025 gồm 6 chương trình: Nghiên cứu cơ bản bổ sung, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới đánh giá tiềm năng và gia tăng trữ lượng dầu khí và các giải pháp kỹ thuật công nghệ tiên tiến để phát triển và khai thác các mỏ dầu khí bảo đảm hiệu quả kinh tế (Thăm dò dầu khí); nghiên cứu, phát triển sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, phân phối và sử dụng hiệu quả Hydro (Hóa - Chế biến dầu khí);) Phát triển và ứng dụng công nghệ thu hồi, tàng trữ và sử dụng CO2 tại các cơ sở sản xuất của Tập đoàn (Hóa - Chế biến dầu khí); phát triển sản xuất và ứng dụng các sản phẩm hóa chất và hóa dầu mới, vật liệu tiên tiến và nhiên liệu sạch từ các nguồn nguyên liệu trong nước, có thị trường lớn, có khả năng xuất khẩu và biên lợi nhuận cao (Hóa - Chế biến dầu khí); nghiên cứu, đánh giá tác động, ảnh hưởng của sự phát triển năng lượng tái tạo đến chiến lược phát triển của Tập đoàn và các giải pháp ứng phó (Điện và Năng lượng tái tạo); nghiên cứu giải pháp (cơ chế) và công nghệ nhằm tổ hợp, tích hợp hệ thống hạ tầng kinh doanh các sản phẩm chủ lực (hiện tại và tương lai) của Petrovietnam, gia tăng quy mô, tăng hiệu quả kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn Tập đoàn.
Tổng giám đốc Petrovietnam, ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: Chương trình NCKH dài hạn giai đoạn 2021-2025 là chương trình mang tính đột phá của Petrovietnam với mục tiêu hỗ trợ Tập đoàn trong dài hạn để định hướng, ứng phó với những thay đổi, xu hướng mới, để có được những sản phẩm, dịch vụ chủ lực giúp Petrovietnam phát triển bền vững hơn.
Vì vậy, phải rà soát lại chương trình để trình Hội đồng thành viên Tập đoàn ngay trong tháng 5/2021; trên cơ sở của chương trình phải tổ chức, lên kế hoạch làm việc đối với từng lĩnh vực, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn, các đơn vị bên ngoài ngành dầu khí; nghiên cứu giải pháp (cơ chế) và công nghệ nhằm tổ hợp, tích hợp hệ thống hạ tầng kinh doanh của chương trình nhằm xây dựng mô hình quản trị, có đánh giá, ra được những kiến nghị đưa vào điều chỉnh, điều lệ. Đồng thời, Viện Dầu khí Việt Nam cần tham gia sâu, chi tiết vào từng lĩnh vực để đạt được kết quả cuối cùng của từng đề tài, nhiệm vụ.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, thời gian tới, công tác NCKH cần tập trung, triển khai, kế hoạch hóa chương trình NCKH trọng điểm, dài hạn; tổ chức lựa chọn đơn vị, phân giao để thực hiện; cần rà soát trong quy chế hiện tại để điều chỉnh, sửa đổi phục vụ cho mục tiêu của chương trình; đưa ra việc xây dựng quản trị của chương trình hàng năm về mục tiêu, tiêu chí, kết quả của việc phê duyệt, kiểm tra, đo lường, điều chỉnh trong từng lĩnh vực để triển khai.
Ông LÊ MẠNH HÙNG - Tổng giám đốc Petrovietnam: Chương trình NCKH dài hạn giai đoạn 2021-2025 là chương trình mang tính đột phá với mục tiêu hỗ trợ trong dài hạn nhằm định hướng, ứng phó với những thay đổi, xu hướng mới, để có được những sản phẩm, dịch vụ chủ lực giúp Petrovietnam phát triển bền vững hơn. |