Ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc PC Vĩnh Phúc (bên trái) tại lễ công bố bổ nhiệm bàn giao nhiệm vụ |
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Hưng - Giám đốc Công ty Điện lực Vĩnh Phúc (PC Vĩnh Phúc) về vấn đề này.
Sau 20 năm tái lập tỉnh, PC Vĩnh Phúc đã có những bước trưởng thành như thế nào, thưa ông?
Ngày 14/3/1997, Điện lực Vĩnh Phúc được thành lập theo Quyết định số 245 EVN/TCCB của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN), với nhiệm vụ kinh doanh điện, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng và đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Trải qua gần 20 năm thành lập và phát triển, PC Vĩnh Phúc đã đạt được những thành tích khá ngoạn mục và đáng tự hào. Theo đó, tổng công suất lắp đặt các trạm biến áp 110kV năm 2016 bằng 626MVA, gấp 25 lần so với năm 1997, điện thương phẩm năm 2016 ước đạt khoảng 2 tỷ kWh, gấp hơn 20 lần năm 1997. Đến cuối năm 2016, hệ thống lưới điện trung, hạ áp đã có trên 3.632km đường dây, gấp 5 lần năm 1997, 2.017 trạm biến áp với tổng dung lượng 1.074MVA, gấp lần lượt 3,2 và 5,4 lần năm 1997. Lưới điện trung, hạ thế đã bao phủ 100% các huyện, 100% các xã và 100% số hộ được cấp điện từ lưới quốc gia.
20 năm sau tái lập, từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp. Vậy, ngành Điện đã có những giải pháp nào đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và của khách hàng, thưa ông?
Có thể nói, sau 20 năm tái lập tỉnh, thành tựu nổi bật mà chúng tôi góp phần vào, đó là đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ điện năng cho các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ngoài ra, chúng tôi còn cung cấp điện cho một số địa phương lân cận như: Phường Bạch Hạc (tỉnh Phú Thọ), xã Minh Châu (TP. Hà Nội) với hàng tỷ kWh điện mỗi năm.
Nhằm bảo đảm công tác cung ứng điện ổn định, an toàn, trong những năm qua, ngành Điện đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để nâng cấp và xây mới các công trình điện phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Nếu như năm 1997, khi mới tái lập, tỉnh chỉ có trạm biến áp 110kV Vĩnh Yên với 1 máy biến áp 25MVA thì đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 2 trạm 220kV Vĩnh Yên và 220kV Vĩnh Tường với tổng công suất 750MVA, 7 trạm biến áp 110kV với tổng dung lượng 626MVA, gấp 25 lần so với năm 1997.
Công nhân PC Vĩnh Phúc bảo dưỡng đường dây điện |
Để dòng điện được “nối dài”, PC Vĩnh Phúc cũng đầu tư xây dựng hàng loạt đường dây cao thế mới, cải tạo và nâng công suất truyền tải cho hầu hết các đường dây cao thế trên địa bàn tỉnh, kể cả nâng tiết diện dây dẫn và thay cột cho đường dây 110kV Đông Anh - Việt Trì, nâng tiết diện dây dẫn đường trục trước đây từ AC70, AC95 lên AC185, AC240...
Đồng thời, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng được đẩy mạnh. Đơn vị đã giải quyết nhanh chóng hồ sơ, thủ tục cấp điện, đáp ứng kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch sản xuất - kinh doanh: Xây dựng đường dây và trạm điện để cung cấp điện cho các Khu công nghiệp (KCN) Quang Minh (nay đã bàn giao về Công ty Điện lực thành phố Hà Nội), KCN Kim Hoa, KCN Khai Quang, KCN Thiện Kế, KCN Bình Xuyên, KCN Bình Xuyên II…
Ông có thể cho biết, chất lượng cung ứng điện tại các vùng nông thôn như thế nào?
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn cho ngành Điện quản lý, PC Vĩnh Phúc đã tiếp nhận bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn 60 xã trên địa bàn tỉnh. Ngay khi tiếp nhận, PC Vĩnh Phúc đã triển khai đánh giá hiện trạng, đầu tư tối thiểu vào hệ thống điện hạ áp nông thôn trung bình 1,5 tỷ đồng/xã, nâng cao lượng điện; thay thế công tơ điện bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, pháp lệnh đo lường, phát quang hành lang, lắp đặt tiếp địa lặp lại nâng cao chất lượng an toàn điện, độ tin cậy điện, các hộ dùng điện không phải chịu các chi phí đóng góp, sửa chữa, phát triển mới.
Trong giai đoạn 2010 - 2015, PC Vĩnh Phúc đã triển khai các dự án như: Dự án RD với số vốn 42 tỷ đồng, dự án REII với tổng số vốn 46 tỷ đồng, dự án REII mở rộng với tổng vốn đầu tư 35 tỷ đồng và đặc biệt dự án KFW giai đoạn I với tổng số vốn 300 tỷ đồng nhằm cải tạo, nâng cấp toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn sau tiếp nhận. Ngoài ra, công ty đang tiếp tục triển khai dự án KFW2 với tổng số vốn 100 tỷ, dự kiến quý I/2017 hoàn thành.
Bên cạnh đó, các dự án đầu tư xây dựng trạm biến áp sau tiếp nhận luôn được công ty ưu tiên, bố trí nguồn vốn để cải tạo. Nhờ vậy, đã nâng cao chất lượng điện năng cho khách hàng, góp phần quan trọng thực hiện tiêu chí điện nông thôn trong chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Ông có thể cho biết, định hướng phát triển của PC Vĩnh Phúc trong thời gian tới?
Mục tiêu trong năm 2016 và các năm tiếp theo của PC Vĩnh Phúc vẫn là tiếp tục cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giảm tổn thất điện năng và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Theo đó, tiếp tục đầu tư hàng trăm tỷ đồng mỗi năm để xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo lưới điện, đáp ứng nhu cầu phụ tải, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Hiện, một số dự án đang triển khai và dự kiến đóng điện trong giai đoạn 2016 - 2017 như: Lắp thêm máy biến áp T2 63MVA trạm 110kV Vĩnh Yên 2, máy biến áp T2 63MVA trạm 110kV Thiện Kế, máy biến áp T2 63 MVA trạm 110kV Hội Hợp; các dự án đầu tư xây dựng lưới điện trung hạ thế như dự án KFW2 với vốn đầu tư 100 tỷ đồng, trong đó tập trung cải tạo lưới điện phân phối nông thôn; dự án cấp điện cho khu Tam Đảo II - giai đoạn I…; tiếp tục đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Bắc đầu tư xây dựng trạm biến áp 110kV Khai Quang, trạm 110kV Tam Dương, KCN Tam Dương II, trạm 220kV Bá Thiện đưa vào vận hành năm 2017 - 2018.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả sẽ tiếp tục được công ty triển khai thực hiện thông qua các sự kiện như: Giờ trái đất, kêu gọi khách hàng tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, hạn chế sử dụng các thiết bị điện cùng một lúc vào giờ cao điểm, sử dụng các sản phẩm tiết kiệm năng lượng… nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho mỗi gia đình và toàn xã hội.
Xin cảm ơn ông!