Để quản lý vận hành tốt và hiệu quả các cụm tụ bù đã lắp đặt là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, đòi hỏi cán bộ công nhân viên (CBCNV) làm công tác quản lý phải có trình độ chuyên môn cũng như phải bỏ nhiều thời gian, công sức để theo dõi số liệu vận hành, kiểm tra định kỳ, hoán chuyển thiết bị bù..., đảm bảo các cụm tụ bù phải thường xuyên vận hành hiệu quả, giảm tiêu thụ công suất phản kháng truyền tải trên đường dây về mức thấp nhất trong mọi thời điểm. Đứng trước những khó khăn và thử thách đó, PC Gia Lai đã đề ra nhiều giải pháp tích cực trong việc triển khai lắp đặt và quản lý tốt vận hành tụ bù công suất phản kháng trên lưới điện.
Công nhân Điện lực An Khê kiểm tra cài đặt các chức năng tụ bù hạ áp. |
Tính đến thời điểm hiện tại, PC Gia Lai đã lắp đặt và đưa vào vận hành với khối lượng bù 254,831MVAr (trong đó, tụ bù trung áp 31,201MVAr và hạ áp là 223,63MVAr). Ngay từ đầu năm, Công ty đã thành lập Đoàn kiểm tra theo chuyên đề công tác quản lý kỹ thuật, điều độ tại các đơn vị cơ sở, thực hiện rà soát toàn bộ các phiếu chỉnh định rơle tụ bù phù hợp để vận hành khi lưới điện có nhiều nguồn phân tán, tình trạng hoạt động rơle, contactor, cầu chì, Aptomat… của các tủ tụ bù hạ áp/trung áp.
Ngoài công tác kiểm tra đường dây và TBA do ngành điện quản lý vận hành, PC Gia Lai cũng chỉ đạo các đơn vị tiến hành kiểm tra tình hình vận hành các TBA của khách hàng, đặc biệt tập trung vào các TBA có lượng thiếu bù cao do tủ tụ bù đã phát sinh một số hư hỏng không đáp ứng được chế độ bù đầy đủ. Qua kiểm tra thực tế nhận thấy, một số doanh nghiệp vẫn chưa thật sự chú trọng việc quản lý vận hành các cụm tụ bù, một số tụ bù đã bị hỏng, một số cụm tụ bù tự động có các contactor không còn hoạt động. Các đơn vị đã kịp thời hỗ trợ, tư vấn cho khách hàng về tình trạng trên để tránh tình trạng khách hàng phải trả thêm tiền công suất phản kháng (CSPK) cũng như làm ảnh hưởng đến chất lượng điện năng của hệ thống điện.
Một số giải pháp mà PC Gia Lai đã triển khai mang lại hiệu quả thiết thực có thể kể đến như: Kích hoạt chức năng Normal Power Direction đối với rơ le tụ bù trung áp Mcap, Ecap; kích hoạt chức năng chức năng COG (Cogeneration) đối với rơ le tụ bù hạ áp R5 của hãng Ducati; sử dụng chức năng Fqr (4-Quadrant) đối với rơ le tụ bù hạ áp PFR60, PFR96… của hãng Mikro; đối với các tủ tụ bù tự động điều khiển được chiều công suất, Điện lực tiếp tục rà soát, cài đặt Cosφ=0.99 tải dung. Đối với các tủ tụ bù tự động không điều khiển được theo chiều công suất, đặc biệt đối với các hệ thống ĐMTMN, Điện lực hướng dẫn khách hàng để có phương án thay thế loại rơle có chức năng COG, Fqr hoặc thống nhất với khách hàng chuyển sang phương thức bù theo thời gian để bảo đảm không phát/nhận công suất phản kháng trong ngày, tùy theo hãng sản xuất của từng loại MBA để yêu cầu dung lượng bù tương ứng. Việc đầu tư để thay thế rơle lạc hậu bằng loại rơle có chức năng COG, Fqr hoặc rơle thời gian là khả thi, mang lại hiệu quả kinh tế và đảm bảo vận hành lưới điện hợp lý.
Mặt khác, để việc quản lý chất lượng điện năng của các khách hàng có TBA chuyên dùng và tiêu thụ CSPK lớn, PC Gia Lai cũng đã chỉ đạo sát sao qua thông báo phương thức vận hành hàng tuần và thành lập nhóm trong Zalo trên ứng dụng điện thoại để thông báo đến các đơn vị về tình trạng dư hoặc thiếu bù, thời gian cắt điện...
Công nhân Điện lực Chư Prông kiểm tra xử lý mất kết nối tín hiệu tụ bù trung áp |
Song song đó, thời gian qua, PC Gia Lai cũng rất quan tâm đến các giải pháp xử lý mất kết nối SCADA các tủ tụ bù trung áp đã lắp đặt trên lưới và đưa tín hiệu điều khiển về trung tâm điều khiển. Định kỳ hàng tháng, các chuyên viên phòng điều độ phối hợp cùng với các đơn vị đi đến từng điểm lắp đặt các bộ tụ bù xảy ra tình trạng mất kết nối (không phản hồi tín hiệu SCADA, không pin được modem, chập chờn tín hiệu...) để phối hợp xử lý dứt điểm. Tới đây, định kỳ hàng tuần, các đơn vị sẽ kiểm tra và thường xuyên trích xuất các thông số về điện áp, dòng điện, hệ số cosφ, công suất… theo thời gian trên phần mềm DSPM gửi cho các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý để kiểm tra và theo dõi chặt chẽ về tình trạng bù CSPK của các TBA.
Thực hiện tốt công tác quản lý vận hành tụ bù sẽ góp phần mang lại chất lượng điện năng cao hơn cho toàn bộ hệ thống điện, giảm tổn hao trên đường dây truyền tải, đem lại lợi ích to lớn về kinh tế. Đồng thời, đây cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá kết quả thi đua về mảng kỹ thuật mà PC Gia Lai đặc biệt quan tâm trong năm 2022.