Sản xuất thuỷ sản xuất khẩu tại một công ty thành viên của PAN |
Đại dịch Covid-19 bùng lên từ cuối tháng 1/2020 đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy đó dù Chính phủ đã có những biện pháp chống dịch mạnh mẽ, hiệu quả. Phần lớn các doanh nghiệp bị tác động nặng nề với gần 35.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản theo công bố chính thức của Bộ Kế hoạch & Đầu tư. Đầu năm 2020 cũng chứng kiến thời tiết khắc nghiệt bất thường với hiện tượng mưa đá, lốc xoáy tại vùng núi phía Bắc, hạn nặng ở Tây Nguyên và đặc biệt là tình trạng hạn hán kết hợp xâm nhập mặn ở ĐBSCL đạt kỷ lục, vượt đỉnh 2016. Trước khó khăn kép từ thời tiết bất thường và dịch bệnh, theo Tổng cục Thống kê, Quý I ngành nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng âm 1,17% trong khi ngành thủy sản chỉ đạt mức tăng trưởng tương đương 1/2 cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh đó, doanh thu thuần Tập đoàn PAN Quý I đạt 1.283 tỷ đồng, giảm 20% trong khi lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 28,7 tỷ, tương đương 40% cùng kỳ 2019. Sự suy giảm diễn ra phần lớn ở hai mảng giống cây trồng (giảm 35 % doanh số) và bánh kẹo (giảm 30% doanh số) do khó khăn trong đi lại, triển khai công tác marketing, bán hàng giữa đại dịch. Kinh doanh giống ngô chủ yếu tập trung trong Quý I với thị trường xuất khẩu trọng điểm gồm Lào, Campuchia, Trung Quốc bị cấm biên do tình hình dịch bệnh dẫn đến một sản lượng lớn không xuất khẩu được. Hạn hán kéo dài khiến diện tích gieo trồng sụt giảm mạnh đặc biệt là một số vùng trồng ngô tẻ lớn tại Tây Nguyên. Việc Tết Nguyên đán năm nay đến sớm cũng làm ảnh hưởng tới doanh thu mảng bánh kẹo của Tập đoàn trong Quý I khi so sánh với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất nước mắm tại Công ty 584 Nha Trang |
Điểm sáng của Tập đoàn trong Quý I là tiếp tục mở rộng thị trường mảng hạt điều thương hiệu sang Nhật Bản, giúp lợi nhuận mảng này tăng nhẹ, đồng thời phát triển thêm sản phẩm hoa quả sấy. Mảng tôm vẫn đạt kết quả tương đương so với cùng kỳ trong khi mảng nước mắm tăng trưởng khả quan (tăng 11% lợi nhuận). Lợi thế của PAN là cung cấp sản phẩm đa dạng cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu, thị trường nước ngoài phân bố tương đối đồng đều giữa các châu lục (Nhật Bản – EU – Hoa Kỳ…). Ngoài ra, việc chủ động được nguồn cung nhờ chuỗi giá trị khép kín giúp sản xuất kinh doanh của Tập đoàn tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng không đình trệ.
Trước diễn biến tiêu cực của Covid-19, PAN đã chủ động theo sát tình hình và lên nhiều kịch bản ứng phó. Song hành các giải pháp về sản xuất kinh doanh, Tập đoàn thực hiện mua vào cổ phiếu quỹ nhằm bảo vệ tài sản cho cổ đông khi TTCK giảm sâu về mức đáy 4 năm. Với người lao động, Tập đoàn chủ trương tiết giảm chi phí nhưng không cắt giảm nhân sự trong bối cảnh tỉ lệ thất nghiệp tăng cao. Ngoài ra, PAN đã cùng các công ty thành viên tiến hành hỗ trợ cộng đồng dưới nhiều hình thức như tặng quà là các sản phẩm gạo, nước mắm, bánh kẹo, cà phê… của Tập đoàn cho đội ngũ y bác sỹ, chiến sĩ ở tuyến đầu chống dịch; tặng sản phẩm cho người dân tại các khu vực cách ly; bán gạo bình ổn giá… Tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn dự kiến sẽ hồi phục dần đến cuối năm khi tình hình dịch bệnh giảm bớt, giãn cách xã hội được nới lỏng và lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm bước vào các vụ kinh doanh chính.