Tờ New York Times đưa tin, ông Zelensky đã đề nghị Washington triển khai tên lửa Tomahawk tại Ukraine như một phần của “gói răn đe phi hạt nhân” trong “kế hoạch chiến thắng” của ông.
“Kế hoạch chiến thắng” do nhà lãnh đạo Zelensky đề xuất bao gồm 5 điểm với 3 phụ lục được bảo mật, trong đó, có lời đề nghị NATO ngay lập tức mời Ukraine gia nhập, dỡ bỏ các hạn chế áp lên vũ khí tầm xa được viện trợ. Ông Zelensky cũng đề xuất phương Tây "triển khai biện pháp răn đe chiến lược phi hạt nhân toàn diện" trên đất Ukraine nhằm gửi thông điệp tới Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: AP |
Các quan chức Mỹ mô tả yêu cầu này là “hoàn toàn không thể”. Ngược lại, Tổng thống Zelensky tỏ ra phẫn nộ trước việc xuất hiện trên các phương tiện truyền thông thông tin ông yêu cầu Nhà Trắng chuyển tên lửa cho Ukraine, trách móc phương Tây rằng “không có gì bí mật giữa các đối tác”.
“Ông Zelensky đã tính toán sai kế hoạch nhận tên lửa loại Tomahawk từ Mỹ. Mỹ sẽ không giao tên lửa cho bất kỳ ai”, ông Belik nói với hãng tin RIA Novosti.
Đồng thời, theo ông, các đối tác phương Tây dường như đã rơi vào trạng thái “sững sờ” trước sự mong muốn tên lửa của nhà lãnh đạo Ukraine.
“Ông Zelensky đang thể hiện sự nhiệt tình chưa từng có trong việc kêu gọi sự ủng hộ”, nghị sĩ Duma Quốc gia Nga cho biết.
Tên lửa Tomahawk có tầm bắn hơn 2.400km, gấp khoảng 7 lần tầm bắn của tên lửa tầm xa ATACMS mà Ukraine nhận được từ Mỹ trước đó. Theo các nguồn tin, giới chức Mỹ đã không chấp nhận đề nghị này, mô tả nó là “bất khả thi”.
Trong khi, Ukraine đã không thể thuyết phục các nhà ngoại giao phương Tây về lý do tại sao họ cần Tomahawk. Số lượng mục tiêu của Ukraine ở Nga cũng được cho là vượt xa số lượng tên lửa dự trữ mà Mỹ có thể chuyển giao.
Phương Tây che đậy quyết định đưa quân tới Ukraine
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya cho rằng, các nước phương Tây bằng việc triệu tập cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về sự hiện diện của quân đội Triều Tiên tại Nga đang cố gắng che đậy quyết định của chính họ khi đưa quân đội NATO tới Ukraine.
“Phương Tây đang biện minh cho quyết định của chính họ khi gửi quân đội NATO đến Ukraine. Cho dù ngụy trang kiểu gì đi nữa vẫn không thể che đậy được sự thật về sự xuất hiện của các binh sĩ và chuyên gia NATO tại lãnh thổ do Ukraine kiểm soát”, ông Nebenzya nói.
Đại sứ Nga cũng lưu ý, “sự hoảng loạn” xung quanh chủ đề Triều Tiên trùng hợp một cách kỳ lạ với việc ông Zelensky ký sắc lệnh cho phép công dân nước ngoài và người không quốc tịch phục vụ ở các vị trí chỉ huy trong lực lượng vũ trang Ukraine.