CôngThương - Thủ tướng Medvedev nhấn mạnh nước Nga "có thể giảm thiểu hậu quả của các biện pháp trừng phạt" nhằm vào nước này.
Chính phủ Nga đã có sự chuẩn bị cho tình hình mới và coi việc bảo vệ nền kinh tế cũng như công dân nước nhà khỏi các "hành động không thân thiện" là ưu tiêu hàng đầu.
Cho dù kinh tế Nga phải đối mặt với những khó khăn gì đi nữa, chính phủ cũng sẽ vẫn đáp ứng đầy đủ tất cả nghĩa vụ xã hội.
Thủ tướng Nga cam kết rằng chính phủ sẽ hỗ trợ những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi khả năng các đối tác nước ngoài ngừng hợp tác với các doanh nghiệp Nga.
Điểm đáng lưu ý trong bài phát biểu trên là việc Thủ tướng Medvedev đề cập đến chủ trương tạo lập hệ thống thanh toán quốc gia nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán quốc tế.
Động thái này được đưa ra sau khi Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt, dẫn tới việc Visa và Mastercard tạm ngừng cung cấp dịch vụ thanh toán tại ngân hàng Bank Rossiya của Nga.
Bên cạnh việc phát triển hệ thống thanh toán quốc gia, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã tuyên bố xúc tiến đưa vào hoạt động một định chế ngân hàng và tài chính trong Liên minh kinh tế Âu-Á vào năm 2025.
Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn nhất Nga, với kim ngạch thương mại hàng năm đạt trên 400 tỷ USD.
Nếu các đối tác nước ngoài ngừng hợp tác với Nga, Xứ sở Bạch dương sẽ chuyển hướng sang các thị trường khác để bù đắp cho sự sụt giảm này.
Theo trang mạng Vesti của Nga, Thượng viện Mỹ sắp tới có thể xem xét việc áp đặt các biệt pháp trừng phạt ngặt nghèo hơn đối với Nga, trước tiên là trừng phạt tập đoàn khí đốt Gazprom, và kế đó có thể là các ngân hàng nước này.
Tuy nhiên, phía Nga cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Gazprom sẽ không gây thiệt hại nghiêm trọng cho tập đoàn này, bởi Gazprom chủ yếu làm ăn với các khách hàng châu Âu và không có nhiều quan hệ kinh doanh với thị trường khí đốt Mỹ.