Ô nhiễm dai dẳng nhiều năm
Cảng cá Lạch Vạn nằm trên địa bàn huyện Diễn Châu, Nghệ An là một trong những cảng cá lớn nhất tỉnh này. Nơi đây tập trung tàu cá của các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc và Diễn Thành... của huyện Diễn Châu thường xuyên ra vào. Thế nhưng, nhiều năm nay, cảng này đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo quan sát của phóng viên, suốt chiều dài của bờ lạch, rác thải ngổn ngang, nước đen kịt, sặc sụa mùi thôi thối, ruồi nhặng bu bám khắp nơi. Nguyên nhân phần lớn là do vỏ sò, vỏ ốc bị đổ tràn lan tại hai bên cảng cá Lạch Vạn và dọc mép dòng sông Lạch Vạn từ nhiều tháng nay. Số vỏ ốc này đổ chất thành đống với số lượng rất lớn, kéo dài trên tuyến đường ra vào cảng cá Lạch Vạn và khu vực rừng ngập mặn, đặc biệt là đoạn từ xóm Yên Quang đến xóm Đông Lộ của xã Diễn Ngọc. Bên cạnh đó, dọc chiều dài hàng kilomet từ sông Lạch Vạn đến cảng cá nơi nào cũng tràn lan rác thải với đủ chủng loại. Rác thải từ xây dựng, rác thải gia đình…cũng được đổ tràn lan xuống ven bờ biển. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là các loại rác như bao bì xác rắn, túi ni lon, vỏ chai nhựa, thậm chí bóng đèn điện và nhiều loại rác thải thuộc diện khó phân hủy khác cũng được tuồn xuống bờ lạch không thương tiếc.
Số lượng lớn vỏ sò, vỏ ốc đổ gây bồi lắng và ô nhiễm |
Chị Nguyễn Thị Nga, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu phản ánh với PV rằng: Thường thì tàu đi khai thác ốc dùi khi vào bờ có phân nửa số ốc chết và một phần ốc dùi nhỏ cũng không được thương lái thu mua. Ốc dùi sau khi được phân loại sẽ được nhập cho các thương lái, số vỏ sò, vỏ ốc dùi nhỏ bị thải loại được tập kết thành từng đống và được đổ tràn lan ở nhiều nơi. "Khi ốc, sò chết mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, người dân đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn không thấy giải quyết. Số lượng vỏ ốc ngày càng lớn được đổ tràn xuống cả lòng sông, gây cản trở dòng chảy, các tàu thuyền tại cảng cá Lạch Vạn vì thế cũng gặp nhiều khó khăn khi ra vào khu vực này để neo đậu", chị Nga nói.
Cũng cần phải nói thêm rằng, hàng năm, do tình trạng bồi lấp cửa lạch, bờ sông ảnh hưởng đến hoạt động của tàu cá nên Nhà nước đã bỏ ra kinh phí nhiều tỷ đồng để nạo vét, xử lý hiện tượng trên.
Theo người dân nơi đây, không chỉ đổ vỏ ốc, vỏ sò gây ô nhiễm và bồi lắng bờ sông, lạch biển. Lâu nay tình trạng đổ rác thải bừa bãi, để nước thải từ quá trình vận chuyển cá, thau rửa tàu thuyền chảy tràn xuống biển cũng đang khiến cho môi trường tại cảng cá Lạch Vạn thêm phần ô nhiễm trầm trọng.
Thêm vào đó là, hàng chục tàu cá ra vào cảng hàng ngày nên quá trình giao hàng xuống cảng xong là tiến hành thau rửa, vệ sinh tàu thuyền. Quá trình vệ sinh, lau rửa đã khiến cho một lượng nước thải lớn bị đổ thẳng xuống môi trường biển. Ngoài ra, hàng chục, hàng trăm tấn cá được bốc dỡ lên bến cảng, sau khi giao cho các thương lái xong thì tiến hành rửa sân cảng nên nước thải bẩn từ đó cũng được tuồn thẳng xuống biển.
Sau đợt ra quân, đâu lại vào đấy
Tình trạng đổ vỏ ốc, vỏ sò quanh cảng diễn ra từ lâu, việc giám sát cũng rất khó khăn, bởi vì người dân chủ yếu đổ trộm. "Dù hàng năm đơn vị có phối hợp với chính quyền địa phương ra quân dọn dẹp rác thải xung quanh khu vực cảng nhưng sau đó thì tình trạng ô nhiễm đâu lại vào đấy. Hiện nay cảng cũng đang phối hợp với xã thuê người bốc đống vỏ ốc, vỏ sò đi nơi khác", ông Ngô Xuân Thủy - cảng trưởng, cảng cá Lạch Vạn - cho biết.
Rác thải đủ chủng loại đổ lấn ra cảng cá |
Cũng theo vị này, trung bình mỗi ngày cảng cá Lạch Vạn có khoảng 50 - 60 tàu của ngư dân các xã Diễn Ngọc, Diễn Bích và một số ít xã Diễn Kim ra, vào cảng để bốc dỡ hải sản và tiếp nhiên liệu đi biển. Việc ngư dân khai thác ốc dùi và đổ tràn lan tại hai bên cảng cá Lạch Vạn, dọc các bờ sông Lạch Vạn đã diễn ra từ khoảng giữa năm 2020 đã gây ô nhiễm môi trường và làm bồi lắng, ảnh hưởng đến dòng chảy của sông Lạch Vạn. Cảng đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền và xử lý các trường hợp vi phạm để bảo vệ môi trường và ngăn chặn bồi lấp, nhưng không xuể.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc - thừa nhận việc người dân phản ánh về ô nhiễm môi trường ở khu vực cảng cá Lạch Bạng là hoàn toàn chính xác. Ông Dũng cũng khẳng định, lượng rác nhiều ở khu vực cảng cá khiến chính quyền và người dân rất trăn trở. Do người dân chủ yếu đổ trộm, nên việc quản lý cũng rất khó khăn. Xã cũng tính đến phương án thuê người giám sát tại điểm tập kết rác, nhưng với chi phí 5 triệu đồng/tháng thì không có ngân sách chi trả.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Trương Văn Đức - Trưởng phòng TN&MT huyện Diễn Châu - cho rằng: Khu vực các xã ven thị trấn Diễn Châu lâu nay rác thải đều được tập kết để chuyển vào xử lý tại bãi rác Nghi Yên. Tuy nhiên, vẫn có những người dân lén lút đổ rác xuống Lạch Vạn. "Huyện cũng đã chỉ đạo các xã quản lý, giám sát, thế nhưng việc bắt quả tang rất khó khăn. Môi trường ở khu vực cảng cá Lạch Vạn không phải bây giờ mới ô nhiễm, mà nó đã bị từ lâu", ông Đức cho biết thêm.
Huyện Diễn Châu là địa phương có số lượng tàu thuyền khai thác thủy hải sản trên biển lớn. Năm 2019, cảng cá Lạch Vạn đã nạo vét, song chỉ có khoảng 70 tàu công suất 48CV cập cảng cá Lạch Vạn, các tàu công suất lớn không thể vào cảng do cửa lạch bị bồi lắng. Do đó, việc kịp thời xử lý, ngăn chặn việc đổ vỏ ốc, sò số lượng lớn xuống sông Lạch Vạn là rất cần thiết, tránh tình trạng gia tăng sự bồi lắng cửa lạch, ảnh hưởng đến việc ra, vào cảng của các tàu thuyền.