Thương lái Trung Quốc sang Việt Nam gom giun đất khô: Dược liệu chữa bệnh gì? Thảm họa kích điện giun đất tàn phá vườn tược: Chiêu trò ‘đánh nhanh, thu gọn’ của đầu nậu |
Những ngày qua, “cơn sốt” đi săn giun đất bằng máy kích điện “nở rộ” tại nhiều tỉnh, thành. Tại nhiều địa phương như Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa... các đối tượng đã sử dụng máy phát xung điện đi kích giun tại các khu vực canh tác nông nghiệp vốn được chăm bón nên đất đai màu mỡ tơi xốp, thuận lợi cho giun phát triển.
Theo đó, các đối tượng sử dụng máy kích, gồm hai que nhọn nối với ắc quy điện công suất lớn, hoặc sử dụng pin, mua với giá 1,6-2,5 triệu đồng. Sau đó, nhóm người này thường chọn các khu vực trang trại trồng cây ăn quả, hoặc các cánh rừng nguyên sinh nơi đất tơi xốp, có dấu hiệu đất đùn lên để kích giun. Khi cắm que sắt nối với máy kích xuống đất, chỉ một phút sau giun đủ kích cỡ trong khoảng một mét vuông sẽ chui lên. Trung bình một người có thể bắt được khoảng 10 kg giun mỗi ngày. Giun được mổ sạch, cho lên giàn sấy khô. Khoảng 13 kg giun tươi sẽ cho 1kg giun khô 600.000 đồng – 700.000 đồng. Nếu bán giun tươi sẽ có giá 30 – 40.000 đồng. Toàn bộ số lượng giun khai thác, theo các tiểu thương cho biết sẽ được bán cho thương lái để chuyển sang Trung Quốc. Số lượng có bao nhiêu mua bấy nhiêu với giá ngày một tăng cao như thể muốn “bắt hết” tất cả giun đất có trong vùng. Chính vì vậy, rất nhiều người đã “nhắm mắt đưa chân” để đi săn giun. Trung bình, 1 người đi săn giun 1 ngày sẽ có thu nhập khoảng 1 triệu đồng. Còn đối với các chủ lò thu mua gom giun về sấy thì tính trung bình một ngày thu nhập có thể cao hơn rất nhiều.
Công an tỉnh Bắc Giang phát hiện một đối tượng (bên phải) sử dụng máy kích giun trái phép Ảnh: Báo Bắc Giang |
Với bản chất công việc nhẹ nhàng chẳng khác nào được ví như “việc nhẹ lương cao” lại cho mức thu nhập hấp dẫn nên có nhiều đối tượng còn sử dụng ô tô để đi săn giun vào ban đêm nhằm tránh sự truy đuổi của các chủ đất. Hiện, trước vấn nạn tận diệt giun đất hoành hành, các cơ quan chức năng của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng lực lượng công an các địa phương đã lên tiếng cảnh báo và liên tiếp thu giữ máy móc, xử lý hàng chục trường hợp dùng máy kích điện giun đất. Song tình trạng này chưa được xử lý dứt điểm, vẫn tái diễn như “nấm mọc sau mưa”. Bởi, vì lòng tham mà các thương lái hoặc chủ lò sấy sau khi bị thu giữ máy kích điện thì lập tức trang bị cho “thợ săn” phương tiện khác tiếp tục đánh bắt để nhét “cho đầy túi tham” bất chấp các hệ lụy.
Có thể thấy, hành vi đánh bắt và thu mua giun đất chỉ có thể phục vụ lợi ích và thỏa mãn thói ích kỷ cá nhân, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của một số đối tượng. Bởi ai cũng biết giun đất có vai trò vô cùng quan trọng với sản xuất nông nghiệp. Giun đất được ví như một “lưỡi cày sinh học” của nhà nông, làm cho đất tơi xốp, đồng thời là mắt xích quan trọng trong việc chuyển hóa các chất dinh dưỡng, tạo điều kiện để sinh ra các chất hữu cơ có lợi cho cây trồng, giúp cây trồng phát triển tốt. Khi đánh bắt giun đất bằng kích điện sẽ làm giun và các loài sinh vật khác trong đất bị tổn thương hàng loạt và mang tính hủy diệt. Vì vậy, sẽ làm môi trường đất bị suy thoái, ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp, đất đai…
Những đối tượng này hoàn toàn biết lợi ích của giun đất với nền nông nghiệp nhưng vì hám lợi trước mắt mà hành xử theo kiểu “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”!
Lợi nhuận mà những đối tượng săn bắt, chế biến giun đất là có thể đo lường. Song thiệt hại phía sau mà những đối tượng này gây ra là không nhỏ. Bởi ngay tại huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình vốn được mệnh danh là “vựa cam” với thương hiệu cam nức tiếng hay tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang với diện tích hơn 30.000 cây ăn quả, vấn nạn “tận diệt giun đất đã gây ra những thiệt hại làm cho cây có biểu hiện héo úa, vàng lá và rụng quả non khi chưa đến mùa thu hoạch. Điều này gây ra mối lo rất lớn cho những người nông dân.
Giun đất sau khi được đánh bắt, đem sơ chế và phơi khô - Ảnh: Internet |
Chúng ta chắc vẫn còn nhớ về những bài học đau xót từ việc các thương lái lạ thu gom ốc bươu vàng, đỉa, lá mãng cầu, cam non, cau non, hoa thanh long, móng trâu… trong thời gian qua vẫn còn đó. Không ai biết họ mua những thứ đó để làm gì, chỉ biết ra sức thu mua để kiếm tiền. Sau khi họ bỏ đi, người nông dân mới vỡ lẽ đã ôm phải “trái đắng” vì những hệ lụy khôn lường mà nó gây ra như cây trồng giảm tuổi thọ, không thể cho năng suất, thậm chí phải chặt bỏ những vườn cây mà bao năm chăm sóc, vun trồng. Sau những niềm vui “ngắn chẳng tày gang” đã ngay lập tức phải đối diện với nợ nần, đói nghèo… ập tới.
Không chỉ thiệt hại cho những người nông dân, những thương lái người Việt cũng sẽ phải gánh chịu thiệt hại. Hẳn chúng ta cũng còn nhớ, những năm trước, người trồng điều các tỉnh Đông Nam Bộ cũng được phen “nháo nhác” khi thương lái Trung Quốc đặt mua lá điều phơi khô. Vì hám lợi, những người nông dân quen với “chân lấm tay bùn” bỗng dưng trở thành các thương lái đi thu gom lá điều của cả xã, cả huyện rồi bán cho thương lái. Thậm chí, có người còn sử dụng hóa chất để phun cho cây rụng lá bán cho các thương lái. Đến khi những vườn điều trơ trụi lá chỉ còn mênh mông là cành và gốc thì mới vỡ lẽ ra mình đã lừa một cách tinh vi.
Bởi sau những phi vụ đẩy giá vòng vèo từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng 1 kg lá của thương nhân Trung Quốc thì mới vỡ lẽ ra đó chỉ là những chiêu trò làm giá, đẩy các “thương lái” người Việt vào cảnh tay trắng vì “ôm” những mặt hàng vô giá trị. Ban đầu các thương lái nước ngoài đưa thông tin cần mua một khối lượng lớn mặt hàng như lá điều, đỉa, thậm chí có thể bây giờ là giun đất. Sẽ có những người kiếm cả vài triệu một ngày nhưng sẽ chẳng được bao lâu. Khi giá của các mặt hàng “độc” này liên tục tăng giá qua “miệng” các thương lái thì người dân đổ xô đi thu gom, săn bắt… nhằm cạnh tranh, mong bán được cho các thương lái nước ngoài. Nhưng chỉ sau thời gian ngắn, các thương lái nước ngoài bất ngờ dừng thu mua. Lá điều, con đỉa, hay giun đất… lúc này vô tác dụng và đó là quy luật làm giá của các thương lái nước ngoài đặt cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Người thiệt hại nhất chính là những người đem hết tài sản của mình mang đi thu gom loại hàng hóa vô giá trị nhằm bán lại cho thương lái kiếm lời. Còn kẻ được lợi chính là các thương lái nước ngoài, khi họ gom hàng đợt 1, đợt 2, đợt 3 sau khi tung ra giá cao khủng khiếp họ mang chính mặt hàng đã mua với mức giá thấp trước đó đem bán lại cho thương lái Việt Nam đang gom hàng. Và thế là phần chênh lệch giá ấy nằm trong tay thương lái nước ngoài. Thiệt hại là rất lớn, rất nhiều so với những món lợi trước mắt.
Bài học về lá điều khô, con đỉa hay lá mãng cầu non vẫn còn hiện hữu. Chúng ta mỗi người hãy nâng cao ý thức hành động có trách nhiệm, đừng vì cái lợi trước mắt của bản thân bỏ đi lợi ích lâu dài của cộng đồng rồi rước lấy những trái đắng… hại người rồi thiệt cả mình!