Thứ năm 09/05/2024 13:19

Nữ doanh nhân nâng tầm, lan tỏa thương hiệu quế hồi Việt Nam

Hơn một thập kỷ gắn bó với cây quế, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huyền đã góp phần nâng tầm thương hiệu quế, hồi Việt Nam
Vinh danh 32 doanh nghiệp đạt giải thưởng Thương hiệu Vàng TP. Hồ Chí Minh lần 4 Danh sách doanh nghiệp và sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam qua các kỳ xét chọn

Chữ “duyên” gắn với cây quế

Khởi nghiệp với cây quế, hồi từ năm 2012, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huyền – Tổng giám đốc Công ty Vinasamex cùng chồng gắn bó với cây quế, hồi như một chữ “duyên".

Nữ doanh nhân lan tỏa thương hiệu quế, hồi Việt Nam
Nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huyền bén duyên với cây quế, cây hồi

Ở Việt Nam, dù cây quế, hồi là cây trồng có lợi thế nhưng những năm trước vẫn đang chỉ là những loại sản phẩm mang giá trị thấp, trong khi ở nước ngoài, đây là những nguyên liệu quý được dùng để chế biến nhiều sản phẩm có giá trị trong lĩnh vực thực phẩm, dược phẩm.

Không nhiều người biết được rằng, trên thế giới hiện nay chỉ có năm nước trồng quế, trong đó có Việt Nam. Và đặc biệt hơn, chỉ Việt Nam và Trung Quốc là hai nước duy nhất trên thế giới sở hữu cây hồi. Hiện nay, diện tích trồng hồi ở Việt Nam vào khoảng trên 40.000 ha, tập trung chủ yếu ở Lạng Sơn. Còn với cây quế, diện tích trồng lên tới 80.000 ha cũng chỉ tập trung chủ yếu ở Yên Bái và Quảng Nam.

Chị Nguyễn Thị Huyền nhớ lại, vào năm 2007, một số cửa khẩu tại Lạng Sơn chất đầy những đống vỏ quế trên các xe tải đang chờ xuất sang Trung Quốc, tuy nhiên những người mang quế, hồi lên cửa khẩu xuất bán thường bị thương lái phía Trung Quốc ép giá, việc bán hàng rất bị động và phụ thuộc, nhiều khi phải chấp nhập bán giá rất rẻ...

Nữ doanh nhân lan tỏa thương hiệu quế, hồi Việt Nam
Vinasamex giúp người dân vùng quế thay đổi, sản xuất theo hướng bền vững

Thời điểm này, anh Nguyễn Quế Anh (chồng chị Huyền) đang kinh doanh mặt hàng linh kiện điện tử nhập từ Trung Quốc, thấy thực tế đó đã quyết định chuyển hướng sang làm việc với các tư thương nơi biên giới, sản xuất quế, hồi bán cho một số công ty nhà nước để xuất khẩu... Sau quá trình tiếp cận, bước vào lĩnh vực mới… năm 2012, Công ty Vinasamex được thành lập do chị Nguyễn Thị Huyền giữ vị trí Tổng giám đốc, có trụ sở ở Gia Lâm, Hà Nội.

Chị Huyền còn nhớ như in những ngày đầu bén duyên với cây quế, cây hồi. Khi đó là năm 2011, khi chia tay công việc cũ, cùng chồng bắt tay khởi nghiệp công việc mới vô cùng khó khăn. Ban đầu chính chị là người trực tiếp giới thiệu với khách về vùng quế ở vùng cao Yên Bái để khảo sát… Dù vất vả, nhưng trước bạt ngàn rừng quế, hương quế bén duyên, như ngấm vào chị, khiến chị say mê. Khách hàng ban đầu của chị chủ yếu là người Ấn Độ và Bangladesh, sau hơn một năm thành lập, Vinasamex bắt đầu đưa được hàng vào Hàn Quốc và Mỹ…

Chọn hướng phát triển bền vững để hương quế, hồi bay xa

Nhìn lại hành trình phát triển thương hiệu gắn với sản xuất quế, hồi hữu cơ của Vinasamex trong hơn một thập kỷ mới thấy hết những gian nan, sự say mê với hương quế, hồi của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huyền…

Ngay sau khi thành lập năm 2013, ban lãnh đạo Vinasamex đã bắt đầu bằng việc tự tìm tòi, và tham khảo ý kiến từ các đơn vị nước ngoài… để phát triển cây quế. Vinasamex bắt đầu tiếp cận và xác định vùng nguyên liệu, học cách thu hái và chế biến của bà con nông dân. Tiến hành lấy mẫu đất, mẫu nước kiểm tra chất lượng và gửi đi kiểm nghiệm.

Vinasamex đã dùng cả tấm lòng và trái tim để thuyết phục người dân tin tưởng vào những giá trị cây quế, hồi khi làm đúng quy trình sẽ mang lại cho gia đình và kêu gọi nông dân vào chuỗi. Đến tháng 6/2015, Vinasamex đã thành công xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hữu cơ, đào tạo, tập huấn, đồng hành hỗ trợ cùng bà con nông dân ở vùng quế Văn Trấn (Yên Bái). Và từ tháng 10/2015 - 5/2016, Vinasamex đã đầu tư xây dựng nhà máy và hệ thống quản lý để đạt được các chứng chỉ quốc tế.

Nữ doanh nhân lan tỏa thương hiệu quế, hồi Việt Nam
Sản phẩn quế, hồi hữu cơ của Vinasamex giới thiệu tại nhiều hội chợ quốc tế và khẳng định thương hiệu (Ảnh: Đặng Hoa)

Dấu mốc quan trọng là tháng 12/2017, Vinasamex đã đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế, với hơn 900 ha vùng nguyên liệu được chứng nhận. Năm 2018, Vinasamex đạt chứng nhận IFS, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm toàn cầu, đánh dấu cột mốc sản phẩm đủ điều kiện lên kệ siêu thị hữu cơ thế giới…

Để đạt được chứng nhận, nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huyền nhớ lại những gian truân, sự kiên trì của bản thân cũng như đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp... Bất chấp bị gọi là “hâm” khi đổ vốn đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ trong một thời gian dài không thu hái, Vinasamex đã cùng người nông dân vùng cao khẳng định được vị thế của sản phẩm quế, hồi Việt Nam tại những thị trường cao cấp, khó tính nhất thế giới…

Khi đó, doanh nghiệp mới bắt tay khởi nghiệp và công việc, quy mô còn nhỏ, kinh nghiệm không có, nguồn lực hạn chế, trong khi để thuê các đơn vị tư vấn làm hồ sơ chi phí rất lớn để có thể có được những chứng nhận quan trọng và vô cùng cần thiết với ngành hàng này...

Không vì khó mà bỏ cuộc, tôi phải chọn cách tự làm. Với vốn tiếng Anh tích lũy từ khi còn ngồi trên giảng đại học, tôi đã tự lên mạng tìm hiểu, việc gửi mẫu, làm hồ sơ xét công nhận vô cùng phức tạp... Mình gửi đi, chưa đúng họ gửi lại hướng dẫn, mình lại sửa, sau nhiều gian nan thì Vinasamex cũng có được những chứng nhận quan trọng để khẳng định chất lượng, định vị thương hiệu”… doanh nhân Nguyễn Thị Huyền tự hào chia sẻ.

Khi đã có kinh nghiệm, có thêm sự tự tin Vinasamex đã bước vào thị trường quốc tế với một vị thế khác và được ghi nhận bằng nhiều công nhận về chất lượng sản phẩm như: Năm 2019 – 2020 đã đạt được các chứng chỉ trọn đời, BRC và ISO; đạt giải Én Vàng trong chương trình Én Xanh 2019 - Kinh doanh bao trùm và đa dạng; trở thành thành viên của The Union for Ethical BioTrade (UEBT); mở rộng vùng nguyên liệu, từ 900 ha lên đến hơn 4.000 ha. Là đại diện duy nhất của Việt Nam được trao Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN cho Doanh nghiệp kinh doanh bao trùm…

Bước vào năm mới Giáp Thìn, Vinasamex đã ở một tầm cao mới với quy mô bốn nhà máy đặt tại Trấn Yên (Yên Bái), Văn Bàn (Lào Cai), Tràng Định (Lạng Sơn) và Bảo Thắng (Lào Cai). Trong đó nhà máy tại Thôn 5, xã Đào Thịnh, Trấn Yên, Yên Bái đã đi vào hoạt động từ năm 2017, các nhà máy tại Lào Cai, Lạng Sơn đang trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện. Bên cạnh đó,Vinasamex dự kiến sẽ xây dựng thêm một nhà máy lớn 10 ha tại Quảng Trị, khu vực Duyên hải Bắc Trung Bộ.

Vùng nguyên liệu của Vinasamex sở hữu hơn 4.200 ha quế và hoa hồi hữu cơ, đã ký kết thỏa thuận trực tiếp với hơn 3.000 hộ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị tại các tỉnh thành khác nhau: Yên Bái, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Trị, Bắc Kạn…

Sản phẩm quế, hồi, gia vị hữu cơ, tinh dầu hữu cơ như gia vị hữu cơ gừng, nghệ, tiêu, tỏi, ớt, sả, hành. Tinh dầu hữu cơ với các sản phẩm quế, hồi, gừng, sả chanh, tràm, bưởi... Vinasamex xuất khẩu tới 4 thị trường chính: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu (các nước Đức, Hà Lan, Đan Mạch, Pháp, Thụy Sỹ, Ý) và các quốc gia khác như Úc, Canada, Turkey, Anh...

Nữ doanh nhân lan tỏa thương hiệu quế, hồi Việt Nam
Doanh nhân Nguyễn Thị Huyền say mê nghiên cứu để tiếp tục phát triển sản phẩm quế, hồi

Theo nữ doanh nhân Nguyễn Thị Huyền, nhu cầu về quế, hồi trên thế giới còn rất lớn, không chỉ sử dụng nhiều trong làm gia vị, thực phẩm, đồ uống, còn được sử dụng nhiều trong mỹ phẩm, làm đẹp, thực phẩm chức năng… Với tiềm năng của Việt Nam về ngành hàng này nếu không được phát huy giá trị sẽ rất lãng phí. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng bản thân tôi, Vinasamex sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để đóng góp vào phát triển thương hiệu quế, hồi, giúp thương hiệu quế, hồi Việt Nam lan tỏa, khẳng định thương hiệu trên thế giới.

Tin khác

Phiên bản di động