Cuộc sống hiện đại đem lại nhiều cơ hội nhưng đồng thời cũng khiến phụ nữ phải đối mặt với nhiều đòi hỏi, thậm chí áp lực. Bà có thể chia sẻ những suy nghĩ về vấn đề này?
Trong giai đoạn mọi điều đều năng động như hiện nay, những đòi hỏi của xã hội, công việc... rất lớn. Trong khi đó, người phụ nữ không chỉ phải hoàn thành công việc ngoài xã hội mà còn phải hoàn thành thiên chức lớn trong gia đình. Để có thể làm tốt cả 2 điều này, người phụ nữ phải hy sinh rất nhiều. Trong công việc, nam giới phải cố gắng đến 6 - 7 phần thì người phụ nữ phải cố gắng đến 9 - 10 phần. Còn với việc nhà, người phụ nữ không chỉ cần trang bị kiến thức, kỹ năng mà còn rất nhiều kinh nghiệm trong công việc, bố trí thời gian vun vén tổ ấm gia đình, nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi, trưởng thành là những công dân tốt của đất nước… Tất cả những điều này đặt lên vai của người phụ nữ rất nhiều trọng trách, buộc người phụ nữ phải thay đổi, nỗ lực rất nhiều về nhận thức, thay đổi phương pháp, kỹ năng để đáp ứng với thời kỳ mới.
Xin bà cho biết về những hoạt động mà Công đoàn Bộ Công Thương hỗ trợ tốt nhất nữ CBVCLĐ trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế?
Bộ Công Thương đã quan tâm bám sát quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ đề ra theo Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, thể hiện bằng việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch hành động và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tổ chức công đoàn, đặc biệt là Công đoàn Bộ Công Thương, đã và vẫn luôn kề vai, sát cánh với phụ nữ thông qua những hình thức động viên, khuyến khích. Đặc biệt, hỗ trợ sát sao của lãnh đạo Bộ đến các Cục, Vụ, đơn vị để luôn quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất cho phụ nữ từ khâu quy hoạch, đào tạo đến bổ nhiệm cán bộ nữ làm lãnh đạo.
Công đoàn Bộ đã liên tục tổ chức các tọa đàm, lớp tuyên truyền, để phụ nữ có cái nhìn tổng quát hơn về bức tranh hội nhập kinh tế quốc tế. Đơn cử như Diễn đàn "Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới" được Công đoàn Bộ phối hợp với Vụ Thị trường châu Á - châu Phi tổ chức mới đây tại Phú Thọ.
Bên cạnh đó, Công đoàn Bộ Công Thương cũng là thành viên của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ của Bộ Công Thương nên đã có nhiều kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo Bộ trong việc tổ chức các chương trình và có hình thức động viên bộ nữ, giúp chị em yên tâm công tác.
Là người luôn sâu sát tâm huyết với công tác phụ nữ của Bộ Công Thương, theo bà các nữ CBVCLĐ cần trang bị những kiến thức kỹ năng gì để có thể đáp ứng nhu cầu thời đại?
Trong thời kỳ hội nhập, cùng với những kiến thức về chuyên môn, kiến thức xã hội, chị em phụ nữ luôn phải cố gắng để hoàn thiện mình, không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức chung để sẵn sàng bắt kịp sự hội nhập kinh tế quốc tế trong thời kỳ mới, nhất là phong cách làm việc một cách khoa học, thích ứng trước những thay đổi của văn hóa công sở và kỹ năng mềm… Đó là những điều tốt để chị em hoàn thành được nhiệm vụ và phấn đấu vươn lên, sánh bước cùng nam giới trong thời kỳ có nhiều đổi mới.
Bên cạnh đó, chị em cần xác định cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) là xu thế tất yếu và bắt buộc phải thích nghi bằng cách thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán, thái độ làm việc, cần chủ động tiếp cận và nắm bắt thông tin về ứng dụng của cuộc cách mạng này. Cần cân bằng cuộc sống, công việc, vượt qua các rào cản giới, vượt qua sự tự ti, trì trệ trong tư duy và hành động để có thể tiếp cận với sự thay đổi của khoa học - công nghệ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của CMCN 4.0.
Lao động nữ Bộ Công Thương cần có đầy đủ các yếu tố cần thiết để sẵn sàng tham gia cạnh tranh trong bối cảnh mới, đó là: Tâm lực, trí lực, năng lực, thể lực để đối mặt với thách thức, áp lực và tạo sự bứt phá.
Xin cảm ơn bà!