Nóng về sinh kế cho người dân vùng biển và nạn phá rừng
Ông Nguyễn Văn Hùng - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị phát biểu khai mạc |
Sinh kế cho người dân vùng biển
Ý kiến tập trung nhất khi nhận xét về biển Quảng Trị là: Hậu quả sự cố môi trường biển bị ô nhiễm vô cùng lớn. Nghề biển bị tê liệt, dịch vụ du lịch biển ngưng trệ…. Các đại biểu đề nghị, để ổn định cuộc sống cho người dân, nhất là sinh kế cho ngư dân 16 xã, thị trấn vùng biển bị ảnh hưởng nghiêm trọng, UBND tỉnh, các sở ngành liên quan cần rà soát, đánh giá nhu cầu chuyển đổi ngành nghề của các hộ gia đình, cá nhân cho phù hợp. Kịp thời đánh giá môi trường biển, chất lượng hải sản, thống kê thiệt hại và xây dựng phương án hỗ trợ kịp thời cho dân. Đồng thời sớm trình Chính phủ về giải pháp ổn định sinh kế, tăng thu nhập cho người dân vùng biển. Việc khắc phục các khó khăn do ô nhiễm môi trường biển cần có chính sách đủ mạnh và lâu dài để hỗ trợ cho ngư dân vùng biển gồm đất đai, tàu thuyền, lãi suất, bảo hiểm. Hiện một số địa phương triển khai việc hỗ trợ ngư dân còn có sự chồng chéo, đề nghị phải công khai, minh bạch và giải pháp hỗ trợ đồng bộ hơn.
Được biết, để hỗ trợ ngư dân do sự cố môi trường, tính đến nay, UBND tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ khẩn cấp cho người dân vùng biển 804 tấn gạo, tạm ứng ngân sách 8 tỷ đồng và phối hợp với UBMTTQ tỉnh phát động ủng hộ hơn 12,5 tỷ đồng cùng trên 90 tấn gạo để hỗ trợ nhân dân từng bước ổn định cuộc sống. Bố trí 3,2 tỷ đồng và 32 cán bộ làm công tác khoa học kỹ thuật về tăng cường giúp chính quyền và nhân dân xây dựng mô hình chuyển đổi sản xuất cho 16 xã, thị trấn ven biển. Quan điểm thực hiện là ưu tiên mọi cơ chế, chính sách, tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ cho 16 xã ven biển khai thác tiềm năng lợi thế, phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, bền vững và toàn diện.
UBND tỉnh trước mắt hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề cho ngư dân kết hợp với ổn định và phát triển nuôi trồng, khai thác thủy hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời đề xuất với Chính phủ một số chính sách hỗ trợ ngư dân như sau: Miễn giảm học phí cho học sinh vùng bị ảnh hưởng; hỗ trợ chính sách bảo hiểm y tế và các chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, khôi phục sản xuất, nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ thu mua tạm trữ tiêu thụ hải sản và đặc biệt là chính sách hỗ trợ khôi phục dịch vụ du lịch biển, hộ kinh doanh thủy hải sản...
Làm sao ngăn chặn nạn phá rừng
Một vấn đề “nóng” khác được đưa ra mổ xẻ tại kỳ họp là tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép tại nhiều khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đặc biệt là khu vực rừng Tây Vĩnh Linh trong thời gian gần đây.
Trả lời vấn đề này, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết, trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện những điểm nóng phá rừng như Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải, xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô (huyện Vĩnh Linh)... Qua kiểm tra, các lực lượng chức năng đã thu giữ 187,9m3 gỗ các loại, tạm giữ 2 đối tượng chặt phá rừng ở xã Vĩnh Ô… Đồng thời qua đánh giá năng lực cán bộ làm việc không hiệu quả, Giám đốc Sở NN&PTNT đã quyết định điều chuyển, thay thế một loạt cán bộ như thay thế Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vĩnh Linh; điều chuyển Trưởng trạm, Phó trưởng trạm quản lý bảo vệ rừng Vĩnh Hà nhận công tác khác..
Để ổn định tình hình, đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả các hành vi phá rừng trên địa bàn, Sở NN&PTNT bên cạnh việc điều chuyển cán bộ kiểm lâm, còn đề nghị các cơ quan chức năng khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật. Tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm của cán bộ, viên chức; đề xuất hình thức kỷ luật đối với những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ để xảy ra các vụ phá rừng trên.