Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, tiến sĩ John Walsh - Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh quốc tế thuộc Đại học RMIT - chỉ ra những lĩnh vực cần chú trọng và nguy cơ cần lưu ý khi DN xuất khẩu nông sản Việt Nam chuẩn bị thâm nhập vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Tiến sĩ John Walsh, Chủ nhiệm bộ môn Kinh doanh Quốc tế thuộc Đại học RMIT |
Thưa tiến sĩ John Walsh, các DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam nên lưu ý những gì khi chuẩn bị bước chân vào thị trường EU?
EU áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Những tiêu chuẩn này có thể sẽ ngặt nghèo hơn nữa sau đại dịch Covid -19. Châu Âu cũng đề cao việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu và thuốc bảo vệ thực vật hơn nhiều khu vực khác.
Ngoài ra, một số chuỗi bán lẻ cao cấp có thể có tiêu chuẩn riêng, thậm chí còn cao hơn các tiêu chuẩn chung, bởi chất lượng sản phẩm là lợi thế cạnh tranh của họ.
Nhiều người tiêu dùng châu Âu cũng đưa ra quyết định mua hàng dựa trên các tiêu chí như mức sử dụng hóa chất, các vấn đề thương mại công bằng và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Tất nhiên, số người mua hàng dựa trên giá cả vẫn đông đảo hơn và nhiều nhà bán lẻ giá rẻ đang phục vụ cho những khách hàng này. Song những nhà bán lẻ như vậy không mang lại lợi nhuận cao cho các nhà cung cấp.
Nhìn chung, để tránh bị coi là sản phẩm thô và chỉ cạnh tranh được bằng giá thành, sản phẩm phải được chế biến, đóng gói và có thương hiệu chuyên nghiệp, đồng thời phải đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết. Mục đích cuối cùng là thu được lợi nhuận lớn hơn, bởi lẽ người tiêu dùng thường sẵn sàng trả giá cao hơn cho hương vị, hình ảnh và thương hiệu tốt.
Như vậy làm thế nào để ngành nông nghiệp Việt Nam có thể gia tăng giá trị chuỗi cung ứng thông qua EVFTA, thưa ông?
Nhiều khả năng sẽ có những làn sóng xuất khẩu hàng hóa mới từ DN Việt Nam nỗ lực đưa hàng hoá sang thị trường EU. Nhưng mặt hấp dẫn hơn là cũng sẽ có nhiều nhà đầu tư châu Âu chủ động tìm kiếm sản phẩm Việt Nam phù hợp, có thể bán chạy ở châu Âu.
Trong những trường hợp đó, các nhà đầu tư có thể tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật để cải thiện các vấn đề chất lượng và thương hiệu nhằm đưa nông dân Việt Nam vào quy trình xuất khẩu một cách tương đối thuận lợi, nhưng điều này đi kèm với rủi ro mất lợi nhuận.
Do đó, quan trọng là Chính phủ Việt Nam cần hợp tác với các trường đại học, trung tâm nghiên cứu, cũng như DN vừa và nhỏ trong nước, để giúp nâng cao tiêu chuẩn địa phương, điều chỉnh phương thức sản xuất trong nước và phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng mới có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết cho xuất khẩu, nhà sản xuất Việt Nam cần xem xét tất cả các khía cạnh của quá trình sản xuất. Điều hợp lý cần làm là hãy nhắm đến các tiêu chuẩn cao nhất nhằm đảm bảo sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo ông, những diễn biến mới như EVFTA hay dịch Covid - 19 sẽ ảnh hưởng ra sao đến vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu?
Cả EVFTA và Covid -19 đều có tính đột phá cao nên rất khó dự đoán được những thay đổi toàn cục. Tuy vậy, dù môi trường bên ngoài tác động gì ở tầm vĩ mô đi chăng nữa, quan trọng là Việt Nam vẫn nên tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, trong đó có ngành nông nghiệp. Biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng đến Việt Nam, nên sẽ không bền vững về lâu dài nếu các nhà sản xuất vẫn duy trì sản xuất thực phẩm giá rẻ ở quy mô lớn vì theo đà này đất đai sẽ rất dễ thoái hoá, bạc màu.
Tư duy và quản lý thông minh có thể giúp các vùng miền làm mới bản thân với những sản phẩm cao cấp. Đảo Hokkaido ở Nhật Bản là một ví dụ điển hình. Là vùng nông nghiệp, Hokkaido từng bị tụt hậu trong quá trình hiện đại hóa công nghiệp ở Nhật Bản. Để thúc đẩy kinh tế địa phương, nền nông nghiệp cơ bản được bổ trợ bởi việc nghiên cứu những sản phẩm mới, trong đó có rượu vang, sô cô la, phô mai và các sản phẩm có giá trị gia tăng cao khác, chưa từng thấy ở Nhật Bản. Cũng nhờ vậy mà du lịch ở đây đã khởi sắc.
Hiện Việt Nam đã có một số dự án sản xuất địa phương đáng chú ý và có tiềm năng cạnh tranh quốc tế, như lĩnh vực nuôi trồng thủy sản và trồng nhân sâm. Các nhà sản xuất có thể vừa đổi mới sản phẩm, vừa thâm nhập mạnh mẽ hơn vào thị trường châu Âu, đồng thời tìm cách vượt qua những biến động của đại dịch. Hỗ trợ của Chính phủ và chính quyền địa phương là rất quan trọng để hiện thực hóa điều này.
Xin cảm ơn ông!
Tiến sĩ John Walsh sống và làm việc tại Vương quốc Anh, Sudan, Hy Lạp, Hàn Quốc, Úc, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Thái Lan, trước khi gia nhập Đại học RMIT Việt Nam vào tháng 10/2018. Ông đã nghiên cứu và công bố nhiều nghiên cứu quanh chủ đề kinh doanh quốc tế, đặc biệt liên quan đến Tiểu vùng sông Mekong. Ông nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Oxford với luận án nghiên cứu về quản trị quốc tế ở khu vực Đông Bắc Á. |