Quyết tâm vượt thách thức
Anh Nguyễn Khắc Huy hiện là một doanh nhân có tiếng trong lĩnh vực xuất khẩu trái thanh long của Việt Nam. Năm 2008, anh bắt đầu thành lập công ty, xây dựng nhà máy xử lý, đóng gói trái thanh long xuất khẩu. Lúc đó, mục tiêu của công ty chỉ hướng tới những thị trường “dễ tính” như Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia... Những năm về sau, Huy tìm tòi phát triển thêm công nghệ xử lý trái cây từ Nhật Bản và mạnh dạn đầu tư xây dựng Nhà máy Xử lý hơi nước nóng Hoàng Phát nhằm đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của nhiều thị trường khó tính.
![]() |
Đóng gói thanh long xuất khẩu |
Việc đầu tư bài bản là bước ngoặt giúp Hoàng Phát Fruit “mở đường” cho trái thanh long Việt vào thị trường Úc. Theo đó, năm 2017 - lần đầu tiên lô thanh long trồng tại tỉnh Long An chính thức được xuất khẩu sang Úc và chiếm luôn thế độc tôn “một mình, một chợ” ở thị trường khó tính này. Kể từ đó tới nay, trái thanh long của công ty này vẫn miệt mài chinh phục thêm các thị trường khó tính khác, trong đó có Nhật Bản.
Giữa lúc xuất khẩu đang theo chiều thuận lợi thì đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, gây nhiều trở ngại cho nông sản Việt trên hành trình chinh phục khách hàng, trong đó năm 2021 vừa qua là một năm khó khăn chưa từng có với những người làm nông nghiệp như anh Huy. Ngay từ những tháng đầu năm, hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nông sản ở phía Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do dịch Covid-19 liên tục diễn biến phức tạp. Riêng với Hoàng Phát Fruit thì hai thị trường nhập khẩu chính là Nhật Bản và Hàn Quốc thời điểm đó phải đối phó với dịch bệnh khi số ca lây nhiễm liên tục tăng theo cấp số nhân, kéo theo lượng đơn hàng đặt mua sụt giảm. Đến đầu quý II/2021, tình hình đơn hàng mới bắt đầu phục hồi thì tại Việt Nam, dịch bệnh bùng phát mạnh và đỉnh điểm là đợt giãn cách xã hội kéo dài liên tục gần 5 tháng ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam. “Tại thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp cùng ngành phải dừng các hoạt động sản xuất song chúng tôi vẫn cố gắng duy trì sản xuất theo phương châm 3 tại chỗ để kịp tiến độ giao hàng cho đối tác” - anh Huy chia sẻ.
Chưa dừng lại đó, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp nông sản Việt phải đối mặt trong năm vừa qua không đến từ việc giãn cách xã hội mà là giá cước vận chuyển tăng cao và hiện tượng thiếu cont, thiếu chỗ trên tàu hàng. Với mỗi tuần công ty phải xuất khẩu từ 3 - 4 cont hàng cho đối tác tại Nhật Bản, Hàn Quốc, việc thiếu cont, thiếu chỗ trên tàu là một áp lực rất lớn.
Tự tin bứt phá
Để đối phó với khó khăn này, doanh nghiệp vừa cố gắng duy trì nhịp độ sản xuất mỗi ngày gần 30 tấn sản phẩm trái cây tươi để đáp ứng nhu cầu cho đối tác vừa phải tìm đủ mọi cách để xoay sở thuê container. Việc vận chuyển bằng đường biển không có chỗ trên tàu thì công ty vận chuyển bằng đường hàng không. Dẫu rằng chi phí vận chuyển tăng cao hơn so với lúc bình thường nhưng may mắn là đối tác cũng chia sẻ về chi phí phát sinh.
![]() |
Anh Nguyễn Khắc Huy (đứng giữa) cùng đối tác nước ngoài đến làm việc tại công ty |
Sau những thách thức nói trên, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh dần trở lại bình thường khi lệnh giãn cách được gỡ bỏ. Những tháng cuối năm 2021 là thời điểm nhà máy hoạt động hết công suất. Đối tác đặt hàng nhiều hơn, công ty phải từ chối một số đơn hàng do không thể đáp ứng đủ sản lượng.
Nhìn về chặng đường mới sắp tới, anh Huy cho biết, dù dịch vẫn còn khá phức tạp khi các biến chủng mới vẫn xuất hiện nhưng anh khá lạc quan và tự tin dự báo xuất khẩu trong năm 2022 sẽ có những bứt phá mới. Điều này xuất phát từ việc thị trường đang dần tốt lên, nhu cầu lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, trong đó nổi bật gần đây là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đi vào giai đoạn thực thi từ đầu năm 2022.
“Đây sẽ là cơ hội cho chúng tôi cùng người dân trồng thanh long ở Long An. Để có thể tận dụng tốt nhất những lợi thế mà RCEP cũng như các FTA khác mang lại, chúng tôi đã tiến hành mở rộng nhà máy sản xuất bằng việc xây dựng thêm một xưởng chế biến có diện tích 10.000 m2, công suất có thể đạt 40 tấn/ngày. Đặc biệt, để có đủ nguồn nguyên liệu, chúng tôi đang liên kết với các hộ dân xung quanh. Theo đó, ngoài 100ha sản xuất hiện tại, chúng tôi dự tính sẽ hợp tác thêm với nông dân để mở rộng vùng nguyên liệu lên khoảng 160 ha. Những hộ dân liên kết với chúng tôi sẽ được bao tiêu sản phẩm, được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật và phương pháp trồng, hái đạt theo chuẩn quốc tế để họ yên tâm có đầu ra” - anh Huy cho biết.