Hà Nội: Tổ chức bán dưa hấu, hành tím hỗ trợ người dân Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh lên tiếng sau vụ du khách Đài Loan bị người bán dừa "chặt chém" |
Bà bán dứa được giải oan
Ngày 27/4/2024, trên mạng xã hội lan truyền clip với nội dung “Bà bán dứa bán 3 quả dứa với giá 500 ngàn đồng cho du khách nước ngoài”. Trong clip được đăng tải trên mạng xã hội, một du khách nước ngoài tay cầm 3 quả dứa đang tranh cãi với một phụ nữ bán hàng rong người Việt Nam; người du khách nước ngoài còn có động thái vung tay, hất đổ xe hàng của người bán hàng - bà Nguyễn Thị Thành (trú xã Xuân Đình, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội).
Nữ du khách nước ngoài đang tranh cãi với người bán hàng rong (Ảnh cắt từ clip lan truyền trên mạng) |
Ngay sau khi clip được chia sẻ, rất nhiều người đã vào bình luận, chĩa mũi dùi vào người phụ nữ bán hàng rong bằng những lời lẽ thiếu thiện chí, thiếu sự tôn trọng, cho rằng người phụ nữ bán hàng rong đang “chặt chém” du khách người nước ngoài khi bán 500 nghìn đồng/3 quả dứa, làm xấu hình ảnh ngành du lịch Thủ đô, du lịch Việt Nam, xấu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.
Ngày 29/4, bà Nguyễn Thị Thành đã đến Công an phường trình diện, tường trình lại sự việc. Tại cơ quan công an, bà Thành cho biết, khoảng 21h40 phút ngày 27/4, khi đang bán hàng tại ngã tư Hàng Đường – Hàng Buồm, lúc này 2 du khách nước ngoài đã đến hỏi mua dứa, bà Thành bán một quả dứa đã gọt sẵn cho vào túi nilon cắt làm 4 và giơ 5 ngón tay, báo giá 50 ngàn đồng/1 túi. Hai nữ du khách đưa bà tờ 500 ngàn đồng và được bà trả lại 450 ngàn đồng, có nghĩa là bà Thành bán 50 ngàn đồng cho một túi dứa.
Tuy nhiên, sau khi cầm tiền thừa, hai nữ du khách đòi lấy thêm 2 quả dứa đã gọt, bà Thành không đồng ý và hai bên xảy ra cãi vã, một trong hai nữ du khách đã hất hàng trên xe của bà Thành xuống đất. Một số người dân nghe thấy tiếng cãi vã chạy đến can ngăn, một số người yêu cầu bà trả lại tiền cho khách du lịch, nên bà Thành đã lấy lại 450 ngàn đồng từ nữ du khách rồi trả lại họ 500 ngàn đồng, không bán hàng nữa. Hai du khách nhận tiền xong cũng rời đi.
Để làm rõ nội dung clip cũng như những lời khai của người phụ nữ bán hàng rong, Công an phường Hàng Đào đã mời một số nhân chứng chứng kiến sự việc đến làm việc. Những người này đều khẳng định, bà Nguyễn Thị Thành chỉ bán 50 ngàn đồng/1 túi dứa, chứ không phải 500 ngàn đồng 3 quả dứa như clip đăng tải. Như vậy, thông tin đăng tải nói bà Thành bán 500 ngàn đồng 3 quả dứa là hoàn toàn sai sự thật.
Qua câu chuyện của bà Nguyễn Thị Thành và 2 nữ khách du lịch nước ngoài cho thấy, tranh chấp giữa bà bán dứa và 2 nữ du khách là thật, số tiền 500 ngàn đồng trong câu chuyện cũng là thật; song đó mới chỉ là một nửa sự thật. Sự thật trong câu chuyện này như cơ quan công an kết luận: Bà Nguyễn Thị Thành chỉ bán 50 ngàn đồng/1 túi dứa.
Hệ luỵ khôn lường từ những thông tin sai sự thật
Ông Benjamin Franklin - một học giả người Mỹ từng nói rằng “một nửa sự thật thường là một lời nói dối lớn”. Và "một nửa sự thật" trong câu chuyện nói trên sau đó được phát tán trên không gian mạng, đã tác động và ảnh hưởng rất lớn đến những người trong cuộc, đến môi trường du lịch Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung, làm xấu hình ảnh người dân Việt Nam thân thiện và mến khách vẫn được khách du lịch quốc tế nhắc đến trong suốt thời gian qua.
Câu chuyện của người phụ nữ bán dứa cũng khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện tương tự cách đây không lâu, một tài khoản TikToker V.M.L cho rằng có trải nghiệm không tốt tại 2 quán ăn ở Hà Nội.
Cụ thể người này cho biết, cảm thấy tủi thân khi bị mời ra khỏi quán vì mình ngồi xe lăn. Dòng chia sẻ của V.M.L nhanh chóng nhận được sự quan tâm của công chúng, làm ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của ngành du lịch Thủ đô. Nhưng sau khi xác minh, trích xuất camera thì những hình ảnh thực tế diễn ra lại hoàn toàn trái ngược, cho thấy để câu view trên mạng xã hội, nhiều người đã bất chấp dựng lên những câu chuyện sai sự thật.
Không chỉ tại Thủ đô Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước thời gian qua cũng đối mặt với tình trạng xuất hiện một số thông tin, clip nói về nạn “chặt chém” khách du lịch.
Chẳng hạn như Phú Quốc, địa phương này xuất hiện một số clip cho rằng khách du lịch đến với địa phương bị “chặt chém”, cụ thể 1 quả dừa được bán với giá 100 ngàn đồng, thậm chí 150 ngàn đồng, điều này ảnh hưởng đến ngành du lịch của Phú Quốc nói riêng và sức cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam nói chung.
Đáng buồn, những clip này thường được đăng tải mà không có sự kiểm chứng, thậm chí là dựa trên “ý đồ” thiếu thiện chí của người đăng tải clip trên không gian mạng. Những thông tin này cũng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, gây ra những hệ luỵ khó lường cho ngành du lịch và nền kinh tế đất nước.
Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng trên, cơ quan chức năng cần có chế tài kiểm soát thông tin trên không gian mạng và phạt thật nặng với những đối tượng cố tình tung tin sai sự thật, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.