Bộ Y tế nói gì trước thông tin nữ nhân viên Samsung lây HIV cho nhiều người? Bộ Y tế gia hạn thêm 800 thuốc, vaccine, sinh phẩm Bộ Y tế: Địa phương phải linh hoạt trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế |
Bộ Y tế vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Lâm Đồng liên quan đến việc cử tri quan tâm: "Thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có những vụ có số lượng lớn người bị ngộ độc như vụ cơm gà ở TP. Nha Trang hay vụ ngộ độc bánh mì tại tỉnh Đồng Nai.
Cử tri đề nghị Bộ Y tế có biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát lĩnh vực này khi Việt Nam đang trở thành địa điểm thu hút khách du lịch quốc tế với phong cảnh thiên nhiên đẹp và ẩm thực đường phố phong phú trong đó bánh mì là một trong những món ăn được khách quốc tế ưa thích".
Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nha Trang tiếp nhận một số ca bệnh nghi bị ngộ độc sau khi ăn cơm gà. Ảnh: Ly L |
Về vấn đề này, trong văn bản do Bộ trưởng Đào Hồng Lan ký ban hành, Bộ Y tế cho biết, hằng năm, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan và các cơ quan chức năng địa phương để quản lý, xử lý mối nguy ô nhiễm thực phẩm, khắc phục sự cố an toàn thực phẩm và ngộ độc thực phẩm.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, trong đó có cả những vụ có số lượng lớn người bị ngộ độc. Đã có trường hợp cơ sở phải được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm mới được kinh doanh thực phẩm nhưng lại hoạt động trong thời gian dài mà không có giấy phép, chỉ khi xảy ra ngộ độc mới bị phát hiện.
Cũng có trường hợp cơ sở được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm nông - lâm sản nhưng lại mua nguyên liệu trôi nổi trên thị trường về đóng gói để cung cấp cho bếp ăn, vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn thực phẩm.
Theo đó, Bộ Y tế với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đã ban hành kế hoạch và các công văn hướng dẫn, chỉ đạo địa phương triển khai giám sát chủ động các mối nguy ô nhiễm thực phẩm, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm; tăng cường thông tin, truyền thông phòng chống ngộ độc thực phẩm, trong đó lưu ý các nhóm sản phẩm có nguy cơ ngộ độc cao; đề nghị các địa phương xây dựng các kế hoạch cụ thể căn cứ theo kế hoạch của Trung ương.
Đồng thời, Bộ Y tế cũng tổ chức nhiều hội thảo với các chuyên đề khác nhau như phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp/khu chế xuất, bếp ăn trường học; phòng, chống ngộ độc thực phẩm do độc tố tự nhiên.
Bộ Y tế cũng triển khai các đoàn liên ngành Trung ương kiểm tra tình hình triển khai công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm tại các địa phương, tháng hành động vì an toàn thực phẩm và hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Bộ Y tế cho biết thêm, trong trường hợp không may xảy ra ngộ độc thực phẩm, Bộ Y tế yêu cầu tập trung cứu chữa bệnh nhân, truy xuất nguồn gốc thực phẩm gây ngộ độc.
Đối với một số vụ ngộ độc lớn, Bộ Y tế đã thành lập Đoàn công tác trực tiếp làm việc, hướng dẫn các đơn vị chức năng địa phương, kiểm tra thực tế tình hình tại các cơ sở y tế và cơ sở, địa điểm liên quan đến vụ ngộ độc…
"Qua các hoạt động trên, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm đã được nâng cao. Nhiều vụ vi phạm đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh, tạo niềm tin cho người dân về chất lượng thực phẩm", Bộ Y tế nhấn mạnh trong văn bản.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế về tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu.
Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, các ngành phải chủ trì, phối hợp với y tế (nhất là ngành nông nghiệp) để truy xuất nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ.
Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, kiện toàn Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện vẫn kinh doanh thực phẩm, vẫn cung cấp nguyên liệu và thực phẩm cho các bếp ăn tập thể, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và công khai kết quả để cảnh báo cho cộng đồng.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên liên tục về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, phù hợp với đặc điểm của từng địa phương.