Nợ xấu cần được kiểm soát chặt chẽ |
Đơn cử như tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% cuối 2015 lên 2% vào ngày 30/6/2016, tương ứng hơn 3.000 tỷ đồng. Nợ xấu tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) từ 1,86% cuối 2015 lên tới 5,3% cuối quý II/2016 hay Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 1,85% cuối năm 2015 lên 2,83% trong 6 tháng đầu năm. Trước đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã công bố một số chỉ tiêu cơ bản của các tổ chức tín dụng (TCTD), trong đó tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 3 tăng lên 2,62% so với con số 2,55% vào tháng 12/2015.
Trong báo cáo tại Quốc hội mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đánh giá nợ xấu vẫn tiếp tục là vấn đề đáng lo ngại khi việc xử lý nợ xấu chưa đi vào thực chất và gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới xử lý được 32.400 tỷ đồng trong tổng số 241.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua (đạt 13,4%).
Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra chiều 2/8/2016, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, theo số liệu của các TCTD báo cáo về NHNN, nợ xấu tính đến cuối tháng 5/2016 ở mức 2,78%, thấp hơn mức mục tiêu 3% mà NHNN đặt ra và đạt được hồi cuối năm 2015. Lãnh đạo NHNN chia sẻ thêm: 6 tháng đầu năm, NHNN đã chỉ đạo các TCTD có tỷ lệ nợ xấu trên 3% phải báo cáo phương án xử lý nợ xấu trong năm 2016. Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu các TCTD kiểm soát chặt chẽ để làm sao mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tránh nợ xấu mới phát sinh; thực hiện các biện pháp tích cực trích lập dự phòng để xử lý nợ xấu. Cùng với đó, việc xử lý nợ qua Công ty VAMC vẫn đang được thực hiện để kiểm soát nợ xấu dưới 3%.
Nợ xấu tính đến cuối tháng 5/2016 ở mức 2,78%, thấp hơn mức mục tiêu 3% mà NHNN đặt tra và đạt được hồi cuối năm 2015. |
NHNN cũng cho biết thêm, cùng với các giải pháp xử lý nợ xấu, hoạt động tín dụng những tháng đầu năm đã có bứt phá đáng kể. Tính đến ngày 20/7, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,84% so với tháng 12/2015, huy động vốn tăng 10,17%, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 8,02%.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, xử lý nợ xấu sẽ tiếp tục là thách thức lớn của các ngân hàng thương mại nói riêng và cả ngành Ngân hàng nói chung trong thời gian tới. Mặc dù tín dụng có mức tăng trưởng tốt, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng đều tăng ở các chỉ số nhưng việc xử lý nợ xấu là không hề đơn giản. Lâu nay, các khoản nợ bán cho Công ty VAMC được xem là nơi “nhốt” nợ, làm đẹp bảng cân đối kế toán của các ngân hàng chứ chưa xử lý thực chất. Vì thế, các ngân hàng vẫn phải lo trích lập dự phòng rủi ro cho khoản trái phiếu đặc biệt nhận về từ VAMC khi bán nợ xấu và cũng vẫn phải chịu trách nhiệm thu hồi nợ.
Để việc xử lý nợ xấu đi vào đúng thực chất, những tháng cuối năm, Chính phủ đặt mục tiêu sẽ tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Thực hiện mua, bán nợ xấu theo cơ chế thị trường, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu; xây dựng đề án cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định: Những tháng cuối năm, NHNN sẽ theo dõi sát tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng TCTD cảnh báo kịp thời với những lĩnh vực tín dụng rủi ro như tín dụng BĐS hoặc cơ cấu tín dụng vào tín dụng trung và dài hạn; mở rộng tín dụng nhưng vẫn hiệu quả và bảo đảm an toàn của hệ thống.