Hội thảo nằm trong các hoạt động thuộc Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” do WIPO hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sáng tạo, quản lý và thương mại hóa công nghệ của các nước đang phát triển và kém phát triển đã được triển khai tại một số nước trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, Phillipin, Ấn Độ, Iran, Mông Cổ.
Tại Việt Nam, Dự án này đang ở giai đoạn khởi động và sẽ thực hiện trong 5 năm 2018-2022. Trong khuôn khổ Dự án, sẽ hình thành một mạng lưới theo mô hình “trục xoay và nan hoa”, gồm các tổ chức hỗ trợ (trục xoay) và các trường đại học, viện nghiên cứu (nan hoa). Trục xoay đóng vai trò hỗ trợ và điều phối các nan hoa trong quá trình phát triển công nghệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ, cụ thể là bảo hộ sáng chế đối với các công nghệ có tiềm năng và tiếp đó, thương mại hóa các sáng chế đó. Hoạt động của Dự án bao gồm đào tạo cán bộ cho mạng lưới, thiết lập liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu với nhau và với các nhà đầu tư, góp phần hỗ trợ thương mại hóa sáng chế.
Có thể thấy, trong các năm qua, trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam đã tích lũy được năng lực, đóng góp nhiều cho sự phát triển khoa học và công nghệ của Việt Nam, các công bố quốc tế, đặc biệt các bài báo trên tạp chí ISI cũng đã tăng nhanh. Tuy nhiên, có một “điểm yếu” của viện nghiên cứu, trường đại học Việt Nam là gần như chưa biến các kết quả thành tài sản. Hiện trạng này thể hiện thông qua số lượng đăng ký sáng chế hàng năm ở Cục Sở hữu trí tuệ chỉ với hơn 200-300 đơn đăng ký sáng chế của người Việt Nam. Đáng nói hơn, các sáng chế gia tăng chủ yếu ở khu vực tư nhân.
Vì vậy, một câu hỏi được đặt ra đó là tại sao các kết quả nghiên cứu của trường đại học, viện nghiên cứu được trong nước và quốc tế thừa nhận là tốt, thậm chí nhiều kết quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nhưng kết quả hữu hình lại hạn chế. Nói chính xác là chúng ta chưa quen với cách bảo hộ tài sản, đưa tài sản thành tài sản trí tuệ có giá trị, thành tiền thông qua thương mại hóa.
Góp phần khắc phục tình trạng này, hội thảo đã mời các chuyên gia WIPO sang giới thiệu việc xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ cho các trường, viện nghiên cứu trong bối cảnh các viện, trường còn khá “lúng túng”, chưa xác định được định hướng xây dựng chiến lược sở hữu trí tuệ cho riêng mình, chưa hiểu rõ kết quả nào lên đăng ký sở hữu trí tuệ và biến thành tài sản hữu hình… Qua đó, giúp cho các viện, trường định hình được một chính sách phù hợp nhất với điều kiện của đơn vị mình và đảm bảo sự hài hòa lợi ích giữa các bên, khuyến khích các hoạt động chuyển giao công nghệ và thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ triển khai các nội dung xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, phối hợp với một số tập đoàn đa quốc gia trên thế giới xây dựng mô hình kết nối giữa trường đại học, viện nghiên cứu và các doanh nghiệp để hình thành nên mạng lưới đổi mới sáng tạo, từ đó giúp cho các nhà nghiên cứu ở các trường đại học, viện nghiên cứu Việt Nam tham gia mạng lưới này để có thể tham gia xây dựng mạng lưới sở hữu trí tuệ.
Đặc biệt, cho đến thời điểm này, có 20 viện nghiên cứu, trường đại học đăng ký tham gia Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ” do WIPO hỗ trợ. Để triển khai Dự án, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ xem xét thành lập Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo các cơ quan quản lý, các trường đại học, viện nghiên cứu. Bên cạnh đó, Văn phòng Dự án sẽ được thành lập và được đặt ở Cục Sở hữu trí tuệ.
Ông Richard S. Cahoon - Cựu giám đốc Văn phòng Chuyển giao công nghệ Đại học Cornell (Hoa Kỳ) nhấn mạnh, chúng tôi sẽ giúp các bạn hiểu về quản lý sở hữu trí tuệ, chuyển giao, thương mại hóa tài sản trí tuệ trong các viện, trường một cách hiệu quả và bền vững, đồng thời cam kết sẽ đồng hành, quan sát, hỗ trợ Việt Nam trong các dự án tới.
Theo bà Lien Verbauwhede Koglin, Cố vấn Phòng hỗ trợ khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ và vừa của WIPO, sở hữu trí tuệ đang là vấn đề cấp bách tại Việt Nam, đây là điểm sáng trong phát triển kinh tế của quốc gia và tạo ra GDP ngày càng lớn. Đặc biệt, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương đều cam kết hỗ trợ mạnh mẽ trong việc xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. WIPO đã đưa ra một loạt chương trình giúp các trường đại học có chiến lược sở hữu trí tuệ tốt nhất, thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ...
Ngày 29-30/11 tại Hà Nội và ngày 3-4/12 tại thành phố Hồ Chí Minh, WIPO sẽ tổ chức cuộc họp tham vấn lần 2 với các đơn vị được lựa chọn tham gia Dự án “Khởi tạo môi trường sở hữu trí tuệ”. Các đơn vị được lựa chọn tham gia Dự án sẽ nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ WIPO và Cục Sở hữu trí tuệ để phát triển tài sản trí tuệ đối với công nghệ mà mình tạo ra. |