Ninh Thuận là tỉnh có khi hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình hàng năm 26-27oC, thời tiết có hai mùa rõ rệt do đó điều kiện khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng khá riêng biệt đã tạo cho Ninh Thuận những thế mạnh, đặc thù ngoài phát triển năng lượng và kinh tế biển còn phù hợp cho sinh trưởng và phát triển các loại cây và con có tính đặc thù cao.
Với việc đáp ứng đầy đủ các tiêu chí như: lịch sử phát triển, danh tiếng, quy mô thị trường, sản lượng và quy mô phát triển, sản phẩm an toàn thân thiện với môi trường…Vừa qua, Ninh Thuận đã công bố quyết định công nhận 12 sản phẩm đặc thù của địa phương giai đoạn 2018-2020, trong đó có 6 sản phẩm cây trồng là: táo, nho, măng tây, tỏi, cừu, dê; 3 sản phẩm vật nuôi đặc thù là tôm giống, cừu, dê; 3 sản phẩm làng nghề đặc thù là nước mắm Cà Ná, thổ cẩm Mỹ Nghiệp và gốm Bàu Trúc. Ngoài ra có 3 sản phẩm tiềm năng đặc thù khác là heo đen, bò vàng và trái cây Ninh Sơn.
Đây là những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh trên thị trường đang được tỉnh Ninh Thuận tập trung đầu tư, phát triển theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động du lịch.
Sản phẩm nho Ninh Thuận ngày càng xây dựng được thương hiệu đối với khách hàng |
Được biết, Sở Công Thương Ninh Thuận đang xây dựng những chính sách hỗ trợ phát triển những sản phẩm đặc thù địa phương. Trong đó, đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, xây dựng các điểm giới thiệu, bán sản phẩm, phát triển những tour du lịch tham quan quy trình sản xuất, chế biến… Tỉnh Ninh Thuận cũng đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ về sản xuất, chế biến và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc thù của tỉnh ra thị trường cả nước. Các sản phẩm của tỉnh hiện có mặt ở hầu hết các hệ thống siêu thị trong cả nước như: BigC, Co.opMart, Vinmart… chợ đầu mối các tỉnh thành phố, các cửa hàng tiện lợi tại các thành phố lớn - đây chính là kênh phân phối uy tính tạo được lòng tin cho người tiêu dùng tại các nơi có sản phẩm của tỉnh.
Theo ông Phan Đăng Thành - Giám đốc Sở Công Thương Ninh Thuận - địa phương đã có nhiều cơ chế chính sách để phát triển các sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, tuy nhiên vẫn còn không ít khó khăn đang đặt ra trước mắt.
Cụ thể, hoạt động đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn trong nguồn vốn đối ứng; việc quản lý, phát triển thương hiệu của các sản phẩm đặc thù của chủ sở hữu, các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận vẫn còn hạn chế; việc tổ chức kết nối, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn do sản lượng thiếu ổn định, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều …
Với điều kiện thời tiết thích hợp, việc chăn nuôi cừu đang mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho bà con nhân dân nơi đây |
Để đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ ổn định sản phẩm đặc thù tỉnh Ninh Thuận, hướng đến phát triển bền vững, Sở Công Thương Ninh Thuận đã tham mưu cho UBND tỉnh này triển khai nhiều giải pháp như: tiếp tục hỗ trợ hình thành chuỗi cung ứng - tiêu thụ sản phẩm đặc thù, đưa sản phẩm đặc thù vào tiêu thụ tại hệ thống chợ đầu mối, các cửa hàng, siêu thị và các kênh phân phối khác. Bên cạnh đó, Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển theo chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa gắn với hoạt động du lịch, xác định du lịch là kênh quảng bá hữu hiệu cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh. Xây dựng mô hình “du lịch nông nghiệp trải nghiệm” cho du khách khám phá tại các địa phương có sản phẩm đặc trưng như: làng nho Thái An (huyện Ninh Hải), các trang trại nho, táo (huyện Ninh Phước); tham quan, chụp ảnh cánh đồng cừu tại An Hòa, Phước Trung….
Từ các giải pháp trên đã đem lại hiệu quả không nhỏ cho việc phát triển thương hiệu sản phẩm đặc trưng cho Ninh Thuận, cải thiện thu nhập, đời sống cho bà con người dân nơi đây, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.