Ninh Thuận: Chưa ghi nhận dự án điện mặt trời gây ô nhiễm nguồn nước Bài 1: Căng mình đảm bảo vận hành an toàn lưới điện truyền tải |
Thường xuyên phải vận hành đầy và quá tải
Truyền tải điện Ninh Thuận hiện quản lý vận hành gần 69 km đường dây 500kV, hơn 183 km đường dây 220kV và 3 trạm biến áp 220kV với tổng công suất máy biến áp 1.625MVA thuộc lưới điện truyền tải Quốc gia.
Theo ông Phan Xuân Sĩ, Phó Giám đốc Truyền tải điện Ninh Thuận, với nhân sự là 52 người, hệ thống lưới điện truyền tải Quốc gia do đơn vị quản lý có nhiều cung đoạn đường dây đi qua khu vực rừng núi, vượt sông, thung lũng,… phần nào gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành. Vào cao điểm mùa khô, từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, nguy cơ xảy ra cháy trong và gần hành lang đường dây luôn tiềm ẩn, gây mất an toàn cho lưới điện.
Hệ thống lưới điện truyền tải Quốc gia do Truyền tải điện Ninh Thuận quản lý có nhiều cung đoạn đường dây đi qua khu vực rừng núi, vượt sông, thung lũng. Ảnh: T.X |
Cùng với đó, để giải tỏa tối đa các nguồn điện năng lượng tái tạo trên địa bàn, các máy biến áp tại các Trạm biến áp 220kV Tháp Chàm, 220kV Ninh Phước thường xuyên phải vận hành đầy và quá tải, cùng thời điểm với nhiệt độ môi trường rất cao, luôn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra những bất thường và sự cố cho thiết bị.
“Trước những khó khăn mang tính đặc thù trên địa bàn quản lý vận hành, Truyền tải điện Ninh Thuận đã chủ động xây dựng các phương án vận hành và ngăn ngừa sự cố, trong đó có tính trước các đặc thù riêng cho các tháng mùa khô và đánh giá các rủi ro tiềm ẩn”, ông Phan Xuân Sĩ cho hay.
Chủ động các phương án
Theo ông Phan Xuân Sĩ, Truyền tải điện Ninh Thuận đã xây dựng các phương án diễn tập xử lý sự cố; tổ chức rà soát, tầm soát, soi phát nhiệt, kiểm tra định kỳ trên tuyến đường dây và thường xuyên theo dõi tình trạng vận hành thiết bị trong trạm biến áp; bố trí lực lượng ứng trực; chuẩn bị vật tư, phương tiện, sẵn sàng xử lý các bất thường trên lưới điện; …
Trên các tuyến đường dây 220kV, 500kV đơn vị sử dụng thiết bị bay UAV tăng cường kiểm tra thường xuyên; tầm soát, soi phát nhiệt cách điện composite, mối nối dây dẫn, tiếp xúc lèo dây dẫn, đo khoảng cách pha đất, kiểm tra hệ thống tiếp địa; xử lý kịp thời các bất thường; vệ sinh cách điện; phát quang chống cháy hành lang…
Vệ sinh cách điện đang mang điện bằng nước áp lực cao (vệ sinh hotline). Ảnh: T.X |
Bên cạnh đó, Truyền tải điện Ninh Thuận cũng tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân sinh sống dọc tuyến đường dây ký cam kết nghiêm chỉnh chấp hành các quy định bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp. Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh Ninh Thuận và chính quyền các địa phương, lực lượng bảo vệ tổ chức kiểm tra, rà soát công tác bảo vệ, đảm bảo an ninh trật tự an toàn hệ thống lưới điện truyền tải, sẵn sàng xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra, phòng ngừa, phát hiện các vụ việc liên quan đến hệ thống lưới điện truyền tải để báo cáo cấp trên xử lý kịp thời,…
“Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên từ đầu năm đến nay, hệ thống lưới điện truyền tải do Truyền tải điện Ninh Thuận quản lý luôn vận hành an toàn, đảm bảo cung cấp điện liên tục và ổn định, phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Ninh Thuận và khu vực, đồng thời góp phần truyền tải nguồn công suất cho các tỉnh phía Bắc trong các tháng cao điểm nắng nóng năm nay”, ông Phan Xuân Sĩ bày tỏ.