Tuyên Quang: Phát triển hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại Trà Vinh: 85/85 xã đạt Tiêu chí 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn |
Sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình có 6/6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; 2/2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; có 119/119 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; có 30/119 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 14 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 333 thôn (xóm, bản) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chợ Rồng là chợ hạng 1 đầu tiên của tỉnh |
Các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn theo các bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020 (trước năm 2022), đã tiến hành rà soát và đang củng cố hoàn thiện hồ sơ, tiêu chí đáp ứng các quy định mức chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025.
Kết quả thực hiện nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hoá.
Đến nay, 100% huyện, thành phố được phê duyệt quy hoạch theo quy định, 100% xã được phê duyệt và đang rà soát điều chỉnh, cập nhật quy hoạch phù hợp với quy định giai đoạn 2021 - 2025.
Về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền. Các công trình xây dựng cơ bản tiếp tục được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, 100% số huyện, 100% số xã có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đạt yêu cầu cầu các tiêu chí nông thôn mới trong đó có 33,3% huyện và 25,2% số xã đạt chuẩn ở mức nâng cao.
Về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thời gian qua, Sở Công Thương Ninh Bình đã nỗ lực xây dựng hệ thống thương mại nông thôn hoàn chỉnh, hiện đại, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại, đặc biệt là chợ đầu mối tổng hợp TP. Ninh Bình (chợ Rồng - chợ hạng 1 đầu tiên của tỉnh), Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1158/QĐ-UBND ngày 20/12/2022 về việc phân hạng chợ đầu mối tổng hợp TP. Ninh Bình và bổ sung vào Quyết định phê duyệt phân hạng chợ trên địa bàn tỉnh; xác nhận Tiêu chí 7 cho 2 xã đăng ký về đích nông thôn mới, 13 xã về đích nông thôn mới nâng cao.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 106/116 xã đạt và cơ bản đạt Tiêu chí số 7 trong xây dựng nông thôn mới. Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cửa hàng tiện lợi dịch vụ tổng hợp ở nông thôn đang phát triển mạnh đáp ứng nhu cầu buôn bán, trao đổi hàng hóa, phục vụ nhân dân.
Thực tế cho thấy, trong những năm vừa qua, với việc tích cực triển khai các giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới nói chung và đầu tư hoàn thiện hệ thống chợ nông thôn tại các địa phương trong tỉnh nói riêng đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Hầu hết các địa phương sau khi được hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chợ nông thôn đều làm tốt công tác quản lý, điều hành hoạt động của các hộ kinh doanh, tiểu thương, từ đó thúc đẩy quá trình giao thương, trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, làm thay đổi rõ rệt diện mạo tại khu vực nông thôn.
Năm 2022, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh có sự phục hồi nhanh ở tất cả các ngành. Nguồn cung hàng hóa phong phú, đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ toàn tỉnh năm 2022 đạt 46.415 tỷ đồng, tăng 11,7% so với ước thực hiện năm 2021, đạt 100% kế hoạch năm. Hạ tầng thương mại tiếp tục phát triển, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 trung tâm thương mại, 9 siêu thị, 24 cửa hàng điện máy (tương đương siêu thị hạng 3 chưa phân hạng), 111 chợ, 03 kho xăng dầu và 232 cửa hàng bán lẻ xăng dầu được phân bố đều và rộng khắp trên các địa bàn trong toàn tỉnh.
Để từng bước hoàn thành việc xây dựng hạ tầng thương mại nông thôn, Sở Công Thương Ninh Bình đã đẩy mạnh tuyên tuyền về công tác xã hội hóa đầu tư đi đôi với đổi mới hình thức quản lý chợ; hướng dẫn, tạo điều kiện cho các thương nhân có nhu cầu đầu tư, quản lý khai thác chợ được khảo sát, tiếp cận với các chợ có khả năng khai thác cao để lập dự án đầu tư.
Cùng với đó, Sở cũng lồng ghép nguồn trong chương trình xúc tiến thương mại để hỗ trợ cho một số chợ nông thôn trên địa bàn tỉnh xây dựng các hạng mục đảm bảo an toàn thực phẩm.
Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng thực tế trong quá trình triển khai thực hiện tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, vẫn cho thấy một số hạn chế nhất định như: Nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và địa phương đầu tư cho các xã xây dựng chợ nông thôn còn hạn hẹp và chỉ đầu tư cho một số hạng mục công trình nên việc xây dựng chợ tại các xã còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, chợ nông thôn sau khi xây xong đòi hỏi phải phát huy tối đa hiệu quả, công năng nhằm đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới của từng địa phương.
Thời gian tới, để hoàn thành Tiêu chí số 7, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ huyện đến xã cần phải chủ động triển khai thực hiện, xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể cho từng giai đoạn. Các bước tiến hành được tính toán một cách khoa học, trên cơ sở phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
Trong đó, xác định nhiệm vụ ưu tiên làm khâu đột phá, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đồng thời thực hiện tốt việc công khai, dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và giám sát; thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong cộng đồng dân cư, con em thành đạt xa quê và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn có tâm huyết với địa phương, khai thác các nguồn thu tại địa phương, lấy sức dân để lo cho dân, tạo nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng.