Thanh Hóa: Chương trình OCOP "ghi điểm" với hàng chục sản phẩm ra "sân chơi" lớn Quảng Nam tiếp tục đề nghị thay đổi mô hình thí điểm chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025 |
Để thúc đẩy Chương trình OCOP, Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết 32 ngày 15/7/2022, quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025.
Nem chua Yên Mạc, sản phẩm OCOP của tỉnh Ninh Bình |
Theo đó, Nghị quyết 32 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình quy định, nhóm chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP bao gồm: Tư vấn khảo sát lựa chọn sản phẩm tiềm năng mới để xây dựng kế hoạch hằng năm; rà soát, đánh giá sản phẩm đã đạt sao theo định kỳ (3 năm); hỗ trợ các điểm giới thiệu và bán sản phẩm gắn với phục vụ du lịch; hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; xây dựng, duy trì hệ thống giám sát và quản lý chương trình.
Cụ thể, đối với sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao sẽ được hỗ trợ 75 triệu đồng/sản phẩm, hạng 4 sao hỗ trợ 85 triệu đồng/sản phẩm, hạng 5 sao hỗ trợ 100 triệu đồng/sản phẩm. Chính sách này của tỉnh Ninh Bình đã tác động mạnh mẽ tới các chủ thể có sản phẩm tiềm năng trong xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.
Có thể nói, Nghị quyết số 32 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình đã thúc đẩy mạnh mẽ để các địa phương và các chủ thể xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Nếu như giai đoạn 2019-2021, tỉnh Ninh Bình có 54 sản phẩm thì riêng 2022, toàn tỉnh có 47 sản phẩm. Và dự kiến hết năm 2023, có 90 sản phẩm đạt hạng OCOP từ 3 sao trở lên.
Tỉnh Ninh Bình phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế cao |
Thành phố Tam Điệp là một trong những địa phương đã triển khai có hiệu quả về Chương trình OCOP. Theo đó, thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm OCOP” UBND thành phố Tam Điệp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân trên địa bàn với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của toàn thể nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP.
Báo cáo của UBND thành phố Tam Điệp cho thấy, năm 2023, trong 15 chủ thể với 23 sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng, xếp loại sản phẩm OCOP. Trong đó, có 14 sản phẩm của 8 chủ thể đã hoàn thiện sản phẩm, qua đánh giá, phân hạng và xếp loại, có 13 sản phẩm của 8 chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP nhằm phát triển mạnh mẽ các sản phẩm chủ lực |
Để đạt được những kết quả về chương trình OCOP, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã chú trọng các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý Chương trình OCOP từ tỉnh đến xã và sự hiểu biết của cộng đồng về OCOP. Các sản phẩm đã được hỗ trợ chuẩn hóa như: Xây dựng hồ sơ chất lượng sản phẩm, tài liệu quản lý chất lượng nội bộ; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để quảng bá sản phẩm; thiết kế website.
Thời gian tới, tỉnh Ninh Bình xác định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình OCOP nhằm phát triển mạnh mẽ các sản phẩm chủ lực, đặc sản có giá trị kinh tế và sức cạnh tranh cao gắn với du lịch. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị nông sản, thu nhập, đời sống người dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao, đặc trưng, đặc hữu gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng miền, địa phương.