Du lịch Ninh Bình: Sẽ hình thành liên minh kích cầu Ninh Bình: Tổ chức tuần du lịch "Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An" từ ngày 27/5 đến 4/6 |
Phát triển du lịch xanh
Du lịch xanh gắn với bảo tồn tính đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể là mục tiêu chủ đạo trong phát triển du lịch ở Ninh Bình. Ninh Bình đã và đang trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước bởi cách làm du lịch bài bản với chiến lược xuyên suốt là phát triển du lịch xanh, bền vững; du lịch dựa vào cộng đồng.
Quần thể Bái Đính - một trong những điểm đến nổi tiếng của du lịch Ninh Bình |
Trong những giai đoạn gần đây, Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình phát triển du lịch. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định, đầu tư hạ tầng phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, tạo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ; chuyển công nghiệp khai thác vật liệu xây dựng sang phát triển du lịch, tạo mô hình tăng trưởng "xanh".
Trong đó phải kể đến Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Kết luận số 07-KL/TU ngày 12/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch. Đến nay, các địa phương trong tỉnh Ninh Bình luôn quan tâm, chú trọng và tích cực bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử; khoanh vùng cấm khai thác đá vôi, khai thác rừng đặc dụng trên núi đá.
Quan điểm này đã giúp Ninh Bình thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch thành điểm đến “an toàn- thân thiện- hấp dẫn” như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch sinh thái Tam Cốc – Bích Động; Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; Vườn quốc gia Cúc Phương, vườn chim Thung Nham, chùa Bái Đính.
Khu du lịch sinh thái Tràng An phát triển dựa trên sự tôn trọng giá trị tự nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa |
Ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: Ninh Bình luôn coi giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch. Du lịch xanh, bền vững, du lịch dựa vào cộng đồng, tôn trọng giá trị tự nhiên, giá tri lịch sử, văn hóa của địa phương. Nhờ vậy, Ninh Bình luôn được các chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến du lịch hấp dẫn.Gần đây nhất, Ninh Bình được tạp chí Forbes của Mỹ bình chọn là một trong 32 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất năm 2023.
Chiến lược xuyên suốt của Ninh Bình là phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững và dựa vào cộng đồng với 3 trụ cột chính là: Người dân, doanh nghiệp và Nhà nước. Để phát triển du lịch đúng hướng, Ninh Bình đang đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường.
“Khi đầu tư phát triển du lịch phải tôn trọng giá trị tự nhiên, tôn trọng giá trị lịch sử văn hóa của địa phương một cách tối đa. Từ đó, Ninh Bình giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường để tạo ra tài nguyên phát triển bền vững sản phẩm du lịch. Hiện nay, Ninh Bình đang đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường. Ninh Bình được đánh giá là mô hình điểm về bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ tài nguyên môi trường”- ông Bùi Văn Manh cho hay.
Mới đây, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức lễ khởi động dự án "Giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam". Trong dự án này, UNDP đã chọn Ninh Bình và Quảng Nam là hai địa phương thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa.
Ninh Bình được lựa chọn để thí điểm dự án này bởi theo đánh giá chung của UNDP và Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Ninh Bình là địa phương từ nhận thức đến hành động của các cấp lãnh đạo, đến từng địa phương, từng người dân đều xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển "du lịch xanh", bền vững để làm bệ đỡ cho các ngành, các lĩnh vực "tăng trưởng xanh".
Phát huy vai trò nòng cốt của cộng đồng trong phát triển du lịch xanh
Ninh Bình được tạo hóa ban tặng nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, độc đáo và sở hữu những di sản văn hóa - lịch sử có giá trị đồ sộ, với 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt) và 01 di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, là nguồn tài sản vô giá để phát triển du lịch.
Nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh hiện có, tỉnh đã thiết lập một mô hình hợp tác hiệu quả, chặt chẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, đặc biệt coi trọng sự đồng thuận và tham gia tích cực, trách nhiệm của người dân địa phương, vì họ vừa là di sản sống, vừa trực tiếp bảo vệ, giữ gìn di sản và tài nguyên du lịch.
Rừng Quốc gia Cúc Phương- điểm đến được nhiều du khách ưa thích |
Để phát triển du lịch xanh, Ninh Bình xác định phải lấy người dân là trung tâm của sự phát triển. Đối với doanh nghiệp, khi đầu tư và hoạt động phải tôn trọng tối đa yếu tố tự nhiên, yếu tố lịch sử văn hóa để phục dựng lại cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp với điều kiện tự nhiên và bảo vệ môi trường ở từng địa điểm.
“Theo đó, Ninh Bình đã thiết lập một mô hình hợp tác hiệu quả, chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Khi khách du lịch đến với bất kỳ điểm du lịch nào ở Ninh Bình sẽ thấy việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp được chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân tích cực thực hiện”- Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh chia sẻ
Điển hình như tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, ngoài vẻ đẹp của núi non, sông nước, của những cánh đồng lúa thì môi trường trong lành, sự thân thiện của người dân làm du lịch đã tạo nên ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng đã chú trọng tuyên truyền, vận động thực hiện công tác vệ sinh môi trường, nâng cao nhận thức, thái độ phục vụ của người dân đối với du khách khi đến tham quan điểm du lịch Tam Cốc – Bích Động cũng như các điểm du lịch khác trên địa bàn.
Qua đó, người dân trở thành những hướng dẫn viên, tuyên truyền viên tích cực trong việc quảng bá hình ảnh du lịch và định hướng phát triển du lịch xanh của địa phương tới du khách. Đồng thời, người dân phối hợp với chính quyền địa phương, Ban Quản lý khu du lịch tích cực thực hiện các biện pháp thu gom rác thải, bảo vệ môi trường.
Hay như tại rừng Quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình triển khai các công cụ quản lý kinh tế trong công tác bảo tồn, như thu kinh phí từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để đầu tư trồng rừng thay thế. Tỉnh thử nghiệm và nhân rộng mô hình cho thuê môi trường rừng để khai thác du lịch, phục vụ nhu cầu về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thay dần hình thức đầu tư bằng tiền của nhà nước. Đồng thời, Tỉnh tăng cường công tác kiểm soát hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ các loài nguy cấp, quý, hiếm.
Đến với Ninh Bình hôm nay, du khách không ngừng tìm kiếm và trải nghiệm văn hóa bản địa trong đó phát triển du lịch xanh, bảo tồn hệ sinh thái cảnh quan thiên nhiên, di tích, di sản, giá trị văn hóa đã làm nên điều khác biệt trong hành trình trải nghiệm của du khách.
Năm 2023, ngành Du lịch Ninh Bình dự kiến đón hơn 5,35 triệu lượt khách, doanh thu ước đạt 5.150 tỷ đồng. Đến năm 2025, ngành Du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch, Ninh Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, an toàn; phấn đấu đón 8 triệu lượt khách; tổng doanh thu du lịch ước đạt 8.000 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho khoảng 23.000 lao động.